Gần đây, bà đau lưng, tiểu rắt, tiểu buốt, đến Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 2/12, TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, cho biết siêu âm cho thấy cả hai thận của bà Hiền đều bị ứ nước độ 2-3, tức mức độ nặng, tình trạng này đã xảy ra thời gian dài. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận bàng quang tụt xuống khỏi vị trí sinh lý hơn 8,5 cm, kích thước khối sa khoảng 5 cm tương đương mức độ 4 - sa bàng quang nặng nhất. Tử cung cũng sa khỏi vị trí bình thường khoảng 7,7 cm.
Bác sĩ Liên giải thích bàng quang tụt xuống quá thấp về phía âm đạo, kéo theo hai niệu quản bị chèn ép làm tắc nghẽn nước tiểu. Nước tiểu không thoát hết dồn ngược lên thận, khiến thận ứ nước. "Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của sa bàng quang", bác sĩ Liên nói, thêm rằng nếu không điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ suy thận, phải lọc máu, chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Liên chỉ định phẫu thuật nội soi đặt lưới cố định bàng quang và tử cung vào dây chằng chậu lược (dây chằng nằm dọc theo viền dưới của khung xương chậu). Đây là dây chằng chắc chắn, độ bền cao, giúp duy trì hiệu quả điều trị trong thời gian dài sau phẫu thuật.
Thông qua 4 lỗ nhỏ trên bụng người bệnh, êkíp đưa các thiết bị phẫu thuật nội soi vào bên trong. Phần bàng quang bị sa được đẩy vào nhằm xác định chính xác vị trí sinh lý của bàng quang. Tiếp theo, êkíp phối hợp bóc tách thành trước âm đạo vào sâu khoảng 3-4 cm rồi phẫu thuật để bộc lộ dây chằng chậu lược và màng xương hai bên. Nếu bóc tách quá sâu, người bệnh có thể gặp tình trạng tiểu không kiểm soát (són tiểu) sau phẫu thuật. Do sa xuống quá nhiều nên bàng quang của bà Hiền bị giãn lớn, quá trình bóc tách gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Êkíp tạo hình tấm lưới hình chữ T, chiều dài 10-15 cm, rồi khâu vào âm đạo, dây chằng chậu lược hai bên và dọc theo bề mặt tử cung. Tấm lưới này giúp cố định bàng quang và tử cung ở vị trí sinh lý, ngăn hai cơ quan này không tiếp tục sa xuống.