Hàm ý trong câu chuyện của anh là: nếu Việt Nam không thay đổi cách quản trị mô hình xuất bản sách giáo khoa hiện tại,Ănchiatừsáchgiálịch âm dương năm 2024 thì tương lai có thể xảy ra những đại án tham nhũng trong lĩnh vực này. Các cáo buộc đưa - nhận hối lộ, theo kết luận điều tra, liên quan đến việc đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục là một ví dụ.
Quy trình xuất bản sách giáo khoa theo chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách" ở Việt Nam cơ bản gồm ba công đoạn: Biên soạn sách theo chương trình khung của Bộ; In ấn; và cuối cùng là tiếp thị, phát hành đến các địa phương, để thầy cô, trường học lựa chọn. Cả ba khâu này, nếu không được giám sát chặt, đều tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng dưới nhiều hình thức.
Ở khâu biên soạn, thẩm định, khả năng dễ gặp nhất là xung đột lợi ích nếu chủ biên, tác giả một bộ sách giáo khoa cũng là thành viên trong Hội đồng thẩm định. Khi điều này xảy ra, quyết định duyệt bộ sách nào tiềm ẩn sự thiếu khách quan.
Ở khâu in ấn, là việc không tuân thủ quy định đấu thầu, tình trạng thông thầu, "quân xanh quân đỏ".
Đến giai đoạn phát hành, rủi ro tiêu cực có thể xảy ra ở khâu duyệt sách của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa địa phương. Trong quá trình này, phòng tiếp thị, phòng kinh doanh của các nhà xuất bản có thể tác động tới thành viên trong Hội đồng để nhận được ưu ái.
Đây cũng là những rủi ro dễ gặp phải ở nhiều quốc gia có quá trình chuyển đổi từ mô hình tập trung một bộ sách sang mô hình hỗn hợp, công tư cạnh tranh với nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều nhà xuất bản biên soạn, in ấn và phân phối.
Kinh nghiệm của những quốc gia đã chuyển đổi thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... chỉ ra rằng, lộ trình cải cách cần tiến hành theo những bước sau để giảm thiểu tình trạng "bớt xén, ăn chia" trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa nhà xuất bản nhà nước. Công ty cổ phần với mô hình gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc... có thể hạn chế rủi ro tham nhũng, đặc biệt là những công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, sẽ gia tăng sự minh bạch bởi họ phải chịu áp lực quản trị hiệu quả, sự giám sát của thị trường, cổ đông và nhà đầu tư.
Thứ hai, theo khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường khi có thị phần từ 30% trở lên, và nếu doanh nghiệp chiếm lĩnh tới 50% thị phần thì có thể khống chế thị trường. Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành, trong năm 2023, doanh thu toàn ngành xuất bản đạt hơn 4.000 tỷ đồng thì có đến hơn 2.700 tỷ đồng đến từ Nhà xuất bản Giáo dục. Nói cách khác, doanh thu từ sách giáo khoa chiếm hơn 60% sản lượng và 65% doanh số. Với những chỉ số này, Nhà xuất bản Giáo dục đang thống lĩnh cả thị trường sách giáo khoa và thị trường xuất bản. Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa "cao bất hợp lý".
Vậy, câu hỏi đặt ra, liệu chính phủ có nên chia tách Nhà xuất bản Giáo dục thành hai đến ba nhà xuất bản để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, có lợi cho người tiêu dùng, qua đó, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng?
Thứ ba, chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách", thậm chí có thể cân nhắc thừa nhận nhà xuất bản tư nhân và để họ cạnh tranh xuất bản sách giáo khoa với đơn vị công.
Trên đây là trình tự về mặt chủ trương, chính sách vĩ mô có tính chất liên ngành giáo dục - xuất bản. Còn ở góc độ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên minh bạch quá trình thẩm định bản thảo sách giáo khoa phù hợp với khung chương trình. Cụ thể, thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện đến từ giới xuất bản, hành chính giáo dục, giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, giáo viên phổ thông, nhà báo... Các thành viên này phải tuân thủ nguyên tắc không xung đột lợi ích.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định của Bộ cần có quy chế làm việc công khai và minh bạch đối với các nhà xuất bản, các tác giả gửi bản thảo sách giáo khoa.
Nếu chính phủ quyết tâm cổ phần hóa nhà xuất bản nhà nước, thì với mô hình quản trị của công ty cổ phần, nhất là công ty có niêm yết trên sàn chứng khoản, rủi ro trong đấu thầu có thể giảm thiểu.
Ở giai đoạn lựa chọn và phân phối sách giáo khoa, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nếu Hội đồng chọn sách công khai lý do lựa chọn sách giáo khoa cùng với biên bản cuộc họp thì có thể hạn chế tối đa hành vi "đi cửa sau" của nhà xuất bản. Với các nhà xuất bản bị phát hiện có hành vi sai trái, bất hợp pháp như hối lộ ủy viên Hội đồng lựa chọn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể từ chối đơn xin sàng lọc sách giáo khoa năm tới của chính nhà xuất bản đó.
Quá trình chuyển đổi từ hệ thống tập trung một bộ sách sang mô hình cạnh tranh công tư nhiều bộ sách ở quốc gia nào cũng tiềm ẩn những rủi ro tham nhũng. Kinh nghiệm từ các nước đã thành công cho thấy, triển khai quá trình chuyển đổi một cách nhanh chóng, quyết liệt và minh bạch là điều kiện tiên quyết để quản trị và giảm thiểu rủi ro lợi dụng sự thay đổi chính sách để "ăn chia".
Trịnh Minh Tuấn