- Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với tấm bằng loại khá - Tráng Seo Pao tình nguyện nộp đơn xét tuyển vào Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã (Dự án 600),ỹsưkiếntrúcvềlàmphóchủtịchxãnghèu20 việt nam quyết tâm trở về gắn bó trên chính mảnh đất quê hương.
Tráng Seo Pao không có vẻ gì là một kiến trúc sư hay một vị cán bộ xã, mà trông anh đặc sệt một anh chàng người Mông đang sắp thổi kèn lá nhưng lại mặc áo sơ mi.
Phó chủ tịch xã Tráng Seo Pao trong một lần về Hà Nội |
Tráng Seo Pao, Phó chủ tịch xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai giải thích một cách đơn giản lý do trước đây anh chọn học Kiến trúc – ngôi trường dường như có vẻ “sang chảnh” với một học sinh người dân tộc.
“Ngay từ trước khi đi học tôi đã xác định sau khi có chuyên môn là sẽ quay về địa phương nếu Nhà nước cho cơ hội. Tôi chọn học về xây dựng dân dụng và công nghiệp vì tôi có lực học tốt khối A, và tính toán tương đối tốt. Hồi ở nhà, tôi vẫn thấy dân thuê người xây dựng chuồng trại, nhà cửa mà vì không biết tính toán nên nhiều khi rất thiệt thòi… Muốn xây dựng diện mạo nông thôn mới thì phải có thiết kế, tính toán về vật liệu…”.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, Tráng Seo Pao có hoàn cảnh khác biệt với đa phần các bạn trong trường. “Chính bản thân tôi chứng kiến cảnh nghèo của bà con, những lo lắng, mong muốn thoát nghèo của bà con mà chưa tìm được. Bà con vẫn ngày lên nương tối lên rừng ngủ, trồng ngô trồng lúa thôi, nuôi cho có động vật trong gia đình khi cần thì thịt thôi. Bà con chưa biết chăn nuôi, đầu tư theo mục tiêu kinh tế, nên bà con có thể vì đi lên nương trồng ngô mà để cho lợn gà chết đói ở nhà”.
Vì vậy mà mặc dù học về kỹ thuật nhưng Tráng Seo Pao vẫn nghiên cứu kỹ cả kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Tới khi ra trường, Tráng Seo Pao tình nguyện nộp đơn xét tuyển vào Dự án 600, trở về địa phương để tham gia góp phần định hướng cho bà con nông dân từng bước thoát nghèo.
Tráng Seo Pao cho rằng khi trở thành phó chủ tịch xã lợi thế lớn của anh là “sinh ra lớn lên tại địa phương nên tôi rất hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con. Trong quá trình đi học đại học, tôi cũng chia sẻ nhiều với bà con. Vì vậy mà khi nhận được tin là tôi quay lại thì bà con rất mừng”. Nhờ lợi thế này mà tất cả những định hướng mà Tráng Seo Pao đưa ra được bà con rất ủng hộ nên triển khai công việc khá thuận lợi.
“Khi về địa phương, việc đầu tiên tôi làm xuống thôn bản để nắm lại tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, đặc biệt là những khó khăn lớn của bà con, theo đó trực tiếp tham mưu với cấp ủy chính quyền để thực hiện những biện pháp của mình, cùng với bà con khắc phục”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố - anh Tráng Seo Pao - cùng người dân làm đường bê tông (Ảnh TL) |
Có đường, tới con ngựa thồ cũng bớt được gánh nặng
Điều khó khăn nhất của bà con xã Hoàng Thu Phố ở thời điểm đó theo anh Pao là vấn đề giao thông nông thôn.
Trước đây từ trung tâm đi vào xã chỉ có một con đường mòn vượt qua một dốc núi cao, dốc núi này bị xói lở trơ toàn đất đỏ, vậy nên theo tiếng dân tộc bà con địa phương gọi "Hoàng Thu Phố" là "Phố dốc vàng". Sau này, mặc dù Đảng và Nhà nước đã đầu tư, mở những tuyến đường lớn đến trung tâm xã, thôn, bản, nhưng đường từ các trục chính về các hộ gia đình còn rất khó khăn, chủ yếu là đường núi, chỉ trâu bò ngựa đi được thôi. Ngày nắng thì bụi bặm, tới ngày mưa những ổ voi, ổ gà lại trở thành những vũng bùn lầy lội…
Cũng có những hộ dân có điều kiện mua được xe máy nhưng phải vứt ngoài đường chứ không mang về tới tận nhà được. Xe vài chục triệu để ngoài đường, trâu bò húc phải, xe đổ lại hỏng hết.
“Tôi tham mưu với cấp ủy chính quyền, xây dựng đề án đường liên gia ngõ xóm cho bà con nhân dân. Mục tiêu của đề án thực hiện từ 2012 – 2017, kinh phí chủ yếu huy động từ nhân dân. Cục thuế tỉnh Lào Cai là cơ quan đỡ đầu xã rất quan tâm ủng hộ, nhận hỗ trợ toàn bộ xi măng để thi công. Nhân dân đóng góp cát, đá, nhân công mở nền…”. Vị phó chủ tịch xã ngày đó hăm hở đo đạc, tính toán, lập dự toán, làm tờ trình xin tài trợ… để đổ bê tông những con đường núi cheo leo.