Ngành game Việt với mục tiêu tỷ USD: Ứng xử thế nào với game Blockchain?
Một trong những mục tiêu được đặt ra cho ngành game Việt Nam trong thời gian tới là tất cả cùng chung tay để doanh thu sớm đạt con số tỷ USD.
Tuy nhiên, một thể loại game vẫn chưa được thừa nhận dù đã có các sản phẩm đem về doanh thu hàng tỷ USD và tạo tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế, đó là game Blockchain.
Game Blockchain hay còn gọi là GameFi bùng nổ tại Việt Nam từ năm 2018, trong đó nổi bật nhất là game Axie Infinity của SkyMavis. Đây là tựa game do người Việt Nam phát triển, trở thành một hiện tượng toàn cầu với giá trị vốn hóa lên tới 2,9 tỷ USD.
Ngày 26/7/2021, theo số liệu của Coinmarketcap, giá trị của mỗi đồng AXS (mã token của Axie Infinity) ở mức 41,51 USD với khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất là 2,9 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Axie Infinity thời điểm đó là 2,5 tỷ USD với khoảng 61 triệu đồng AXS lưu hành. Vốn hóa của tựa game này có thời điểm lên tới 3,4 tỷ USD. SkyMavis được xếp là kỳ lân tiếp theo của startup tại Việt Nam.
Sau thành công của Axie Infinity, hàng loạt GameFi khác do người Việt Nam sản xuất lần lượt ra đời; có thể kể đến My DeFi Pet, 9D, Theta Arena... và mới đây nhất là Sipher. Các game này có vốn hóa từ vài chục đến vài trăm triệu USD, đặc biệt là Sipher có số tiền đầu tư vượt 50 triệu USD.
Mặc dù gặt hái nhiều thành công và thậm chí thống trị thị trường thế giới trong thời gian dài, các game sản xuất đều đạt chất lượng cao nhưng game Blockchain vẫn chưa được thừa nhận ở Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất game buộc phải chọn phương án phát hành ở thị trường quốc tế.
Theo đại diện một nhà sản xuất game, nếu chiếu theo các quy định về cấp phép đối với game truyền thống, game Blockchain sẽ không thể đáp ứng. Để tránh các vấn đề về pháp lý, các studio sản xuất game này bắt buộc phải phát hành ra thị trường quốc tế, dù rất muốn phát hành tại thị trường trong nước.
Theo một báo cáo của Crypto Crunch App cuối năm 2023, cộng đồng người chơi tiền số tại Việt Nam có khoảng 26,6 triệu người, đứng top 3 thế giới.
Dù các game được phát hành ở thị trường quốc tế nhưng nhiều người Việt Nam vẫn tìm cách “vượt rào” để vào chơi thông qua việc thay đổi địa chỉ IP, dùng VPN, bởi họ rất muốn trải nghiệm các game Blockchain do người Việt làm, đang thống trị thị trường.
Có nên cấp phép cho game Blockchain hay không? Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp làm thể loại game này cũng muốn đưa các game chất lượng của mình tới người chơi trong nước. Một trong những giải pháp tạm thời được các doanh nghiệp đưa ra là tiến hành làm song song hai phiên bản game khác nhau. Đối với phiên bản không liên quan đến các yếu tố về tài chính, token, NFT..., doanh nghiệp sẽ tiến hành xin phép phát hành trong nước còn phiên bản liên quan đến yếu tố GameFi sẽ phát hành ở thị trường quốc tế.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần xem xét, đưa ra phương pháp quản lý đối với thể loại game này, hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ USD từ ngành game của Việt Nam.
GameFi là sự kết hợp giữa từ trò chơi (game) và tài chính (finance). Đây là các trò chơi Blockchain chơi để kiếm tiền, cung cấp các động lực kinh tế cho người chơi. Hệ sinh thái GameFi sử dụng tiền mã hóa, token không thể thay thế (các NFT) và công nghệ Blockchain để tạo ra một môi trường trò chơi ảo. Thông thường, người chơi có thể kiếm phần thưởng trong trò chơi bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác và tiến bộ qua các cấp độ trò chơi khác nhau. Họ cũng có thể chuyển tài sản của mình ra bên ngoài trò chơi để giao dịch trên các sàn giao dịch tiền mã hóa và thị trường NFT.