- PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, với mặt bằng điểm năm nay cao hơn năm 2016 thì điểm trúng tuyển của các trường năm nay cao hơn là logic chứ không phải do cách xét tuyển.VietNamNetcó cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc về kỳ tuyển sinh đại học 2017.
|
PGS Trần Văn Tớp |
- Kết quả tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa 2017 như thế nào, thưa ông?
- Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội thì kết quả tuyển sinh năm nay không bất ngờ. Năm nay, tất cả các ngành đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội đều có điểm trúng tuyển từ 22 điểm trở lên, cao nhất là ngành CNTT 28,25.
Các chương trình đào tạo liên kết với các đối tác nước ngoài cũng có điểm chuẩn khá cao, thấp nhất 20 điểm.
Đặc biệt các chương trình tiên tiến là CNTT, Điện – Điều khiển tự động hoá, Cơ điện tử và Điện tử - Viễn thông đều có điểm chuẩn cao hơn năm 2016 từ 2,25 đến 4 điểm.
Qua thống kê sơ bộ thì 83,3% các thí sinh trúng tuyển vào trường có điểm xét tuyển từ 25 điểm trở lên.
Hiện nay thí sinh đang trong quá trình xác nhận nhập học và làm thủ tục nhập học. Chúng tôi tin rằng trường đã đạt mục tiêu tuyển đủ sinh viên có chất lượng tốt nhất theo kết quả thi THPT quốc gia 2017.
- Với vai trò là trường chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc, ông nhìn nhận thế nào về kết quả kỳ tuyển sinh đại học năm nay?
- Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2017, với vai trò là trường điều phối, Trường ĐHBK Hà Nội đã xây dựng quy chế phối hợp và nhận được sự đồng thuận của 56 trường tự nguyện tham gia nhóm.
Là trường điều phối, tôi đánh giá về cách thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật, thông tin trong nhóm được đảm bảo ở mức cao nhất.
Nguyên tắc xét tuyển của Nhóm xét tuyển miền Bắc năm nay vẫn trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ của các trường thành viên.
Mỗi trường có một tài khoản và một mật khẩu riêng nên trường nào chỉ biết thông tin tuyển sinh của trường đó.
Vì vậy, trường điều phối và nhóm cũng không biết được cụ thể tỷ lệ trúng tuyển của các trường so với chỉ tiêu.
Tuy vậy chúng tôi vẫn nhận thấy sự ủng hộ của các trường với phương án tuyển sinh năm nay.
Quan trọng là thí sinh có nhiều lựa chọn hơn năm 2016, và do đó đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, cơ hội trúng tuyển cao hơn vào ngành mà mình yêu thích hoặc phù hợp với năng lực, kết quả của mình.
Kết quả cho thấy, có nhiều trường đã tuyển đủ trong đợt xét tuyển lần 1. Còn một vài trường chưa tuyển đủ, nên có thể sẽ xét tuyển đợt 2.
- Theo ông, cách thức tổ chức xét tuyển năm nay có điều gì còn bất cập, phải rút kinh nghiệm cho các kỳ tuyển sinh năm tới hay không?
- Cần có thời gian và chờ hết đợt tuyển sinh thì mới có đủ cơ sở để đánh gía đầy đủ về ưu điểm và tồn tại của kỳ tuyến sinh đại học năm nay.
Tôi nghĩ về cơ bản là ưu điểm, trong đó là điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay đã dựa trên quyền lợi của thí sinh rất nhiều, đảm bảo cho các em cơ hội trúng tuyển, tránh tình trạng điểm cao vẫn “rớt”.
Cách đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng cũng là một điểm rất tốt và tiện lợi cho thí sinh, không phải vất vả, xếp hàng để được nộp phiếu đăng ký xét tuyển, các trường đại học cảm thấy thuận lợi hơn.
Về bất cập, chúng tôi thấy cần bàn kỹ hơn và rút kinh nghiệm về thang điểm trong xét tuyển và cách tính điểm xét tuyển để sang năm hoàn thiện đề án, quy chế.
Một vài điểm liên quan đến công bố kết quả thi cũng cần rút kinh nghiệm trong tuyển sinh năm tới.
Điểm chuẩn cao không phải do cách xét tuyển
- Có ý kiến cho rằng, mức điểm chuẩn cao kỷ lục như năm nay là do cách thức thi và xét tuyển, do đó, nên sớm trả việc tuyển sinh lại cho các trường tự tổ chức thi và xét tuyển thay vì cách làm như hiện nay. Xin ông cho biết ý kiến về quan điểm này?
Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với mặt bằng điểm năm nay cao hơn năm 2016 thì điểm trúng tuyển của các trường năm nay cao hơn là logic. Tôi thấy quan niệm mức điểm cao như là do cách thức xét tuyển là không có cơ sở.
Điểm trúng tuyển đại học năm 2017 có thể cao hơn so với năm trước cũng nằm trong dự báo của nhiều trường sau khi công bố phổ điểm của kỳ thi THPTQG 2017 trước khi thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng và tư vấn cho thí sinh và phụ huynh học sinh.
|
Trường ĐH Y Hà Nội có mức điểm chuẩn năm 217 cao kỷ lục so trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Lê Văn. |
Để có xét tuyển chúng ta phải dựa vào một thang đo. Một trong những thang đó là dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Và chúng ta đang nói về chủ đề này, tức là xét tuyển đại học dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Một kỳ xét tuyển phải có quy định riêng đảm bảo các trường và thí sinh bình đẳng nhau trong xét tuyển. Phương thức tuyển sinh đại học năm 2017 đã được bàn thảo rất kỹ trước khi ban hành. Đây chính là cơ sở quan pháp lý quan trọng nhất của kỳ xét tuyển đại học năm 2017
Qua đợt xét tuyển đại học năm 2017, tôi cho rằng phương thức này đã kế thừa, hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu.
- Nhiều trường tốp dưới than phiền rằng, với cách xét tuyển như năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên có xu hướng đăng ký vào những ngành, trường "hot". Vì vậy, các trường tốp trên sẽ chọn được những thí sinh tốt nhất, trong khi đó, các trường tốp dưới lại không có cơ hội để chọn những thí sinh có điểm vượt trội. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của các trường. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
- Vấn đề ở chỗ là đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu xã hội về ngành nghề, về chất lượng, từ đó thu hút được người học.
Trường đại học nào cũng mong muốn tuyển đủ số lượng thí sinh và có chất lượng tốt nhất. Vì vậy công tác quảng bá tuyển sinh cũng góp phần thu hút được thí sinh.
Ngay như Trường ĐHBK Hà Nội mặc dù không sợ tuyển thiếu, nhưng chúng tôi mong muốn có sinh viên giỏi, sinh viên tốt nhất. Vì vậy công tác truyền thông và quảng bá của nhà trường rất được chú trọng.
Với các trường chưa đạt chỉ tiêu, trước hết phải nâng cao chất lượng đào tao, đảm bảo người học có được việc làm khi ra trường.
Quan điểm học đại học có thể đã có thay đổi, người học và gia đình họ chắc không muốn học đại học bằng mọi giá.
Về nguyên tắc, với ngưỡng đảm bảo chất lượng năm 2017, có thể khẳng định nguồn tuyển sinh đủ cho tất cả các trường.
Theo quy chế 2017, thí sinh hoàn toàn có thể chọn trường đại học, ngành phù hợp với kết quả và năng lực của mình. Bên cạnh đó, cơ chế lọc ảo danh sách thí sinh toàn quốc đã phát huy hiệu quả, đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.
Vậy các em không đăng ký thì các trường phải xem xét, đánh giá tại sao. Cá nhân tôi chưa đủ thông tin để có thể đưa ra đánh giá thay cho các trường.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lê Văn
" width="175" height="115" alt="'Điểm chuẩn cao nằm trong dự báo của nhiều trường'" />