Tác giả của báo cáo trên đề nghị các nhà sản xuất phương tiện bay không người lái cần thiết lập cơ chế ngăn thiết bị này xâm nhập vào các vùng cấm bay. Hiện tại, chính phủ Mỹ đã yêu cầu chủ sở hữu thiết bị bay không người lái phải đăng ký phương tiện này trong bối cảnh các đe dọa khủng bố toàn cầu ngày càng tăng cao. Trong khi đó tại Anh, quy định về phương tiện bay không người lái còn khá lỏng lẻo. Bất cứ người dân nào cũng có thể sở hữu và điều khiển phương tiện này cho mục đích phi thương mại với điều kiện thiết bị phải có trọng lượng ít hơn 20kg. Ở hạng mục này trên thị trường đang có hàng trăm chủng loại phương tiện bay khác nhau. "Các nhóm khủng bố, nổi dậy, tội phạm có tổ chức đã từng trình diễn khả năng sử dụng thiết bị bay dân sự để thực hiện các vụ tấn công gây thiệt hại về người và của", báo cáo trên cho biết. "Cách tốt nhất để hạn chế và ngăn chặn nguy cơ này là áp dụng có hệ thống các phương pháp phòng ngừa, cả về mặt chính sách, chủ động và thụ động". Ở mức cụ thể hơn, báo cáo trên đề xuất 3 biện pháp hạn chế nguy cơ khủng bố từ thiết bị bay không người lái. Đó là hạn chế tải trọng của các drones thương mại; thiết kế hệ thống cảnh báo an ninh khi các drones xuất hiện trong khu vực cấm bay; và phát triển các hệ thống chống drones sáng tạo và gây ít thương vong hơn. Trong quá khứ đã có không ít các sự vụ vi phạm an ninh liên quan tới phương tiện bay không người lái. Chẳng hạn hồi đầu năm 2015, hàng loạt thiết bị bay không người lái xuất hiện tại thủ đô Paris đã làm dân chúng hoảng sợ. Các phương tiện này còn xuất hiện tại các khu vực nhạy cảm như Tháp Eiffel và đại sứ quán Mỹ tại Paris. |