Các giải pháp phục vụ "nền kinh tế tại nhà" như học trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử... đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dùng Việt Nam. Ảnh: Internet |
Tại buổi họp trực tuyến của Bộ TT&TT ngày 16/3, Cục trưởng Cục Tin học hoá Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, đối với hệ thống họp trực tuyến, xu hướng mới hiện nay thay đổi cách thức mọi người tham gia họp. Trước đây, các giải pháp họp thông qua các cầu truyền hình cần chi phí đầu tư lớn. Nhưng hiện nay đã có một số giải pháp mới, trong đó được đánh giá tốt nhất là của Google, Microsoft và đặc biệt là Zoom. “Hiện nhiều người đã sử dụng phần mềm Zoom để học trực tuyến, họp trực tuyến. Thậm chí, các cô giáo dạy thêm tại một số lò luyện thi đã sử dụng phần mềm Zoom này dạy học sinh của mình”, ông Dũng nói.
Trong thời gian qua, Cục Tin học hoá đã tìm hiểu và thấy có 2 giải pháp phù hợp. Đầu tiên, qua khảo sát trên thị trường, một số doanh nghiệp như MobiFone, Viettel đã mua giải pháp lõi của Zoom về tuỳ biến trên mạng lưới của họ. Ưu điểm là có thể triển khai một cách nhanh chóng.
Thứ hai là sử dụng phần mềm nguồn mở, hiện đã giao cho cộng đồng nguồn mở Việt Nam tuỳ biến và phát triển. Ưu điểm là không phụ thuộc vào Zoom và không mất chi phí bản quyền. Các địa phương có thể tải về sử dụng. “Cục Tin học hoá đã sử dụng giải pháp này họp với các sở TT&TT rất tốt”, ông Dũng nói.
Từ đó, Cục Tin học hoá khuyến nghị song song cả 2 giải pháp, một là đưa ra một số nhà cung cấp giải pháp họp trực tuyến với quy mô khoảng 60 người họp, có thể miễn phí cho các cơ quan nhà nước, hai là giải pháp tuỳ biến trên phần mềm nguồn mở. Tuy nhiên, giải pháp họp trực tuyến cá thể hoá đến từng người nên sẽ mất thời gian ban đầu để chuyển từ họp trực tiếp sang họp trực tuyến, điều khiển nhiều màn hình. Lý tưởng nhất cho giải pháp họp trực tuyến này là từ 7-10 người, vì càng nhiều người thì người điều hành càng vất vả hơn. “Tuy nhiên, đây sẽ là xu thế trong tương lai với sự phát triển của mạng băng rộng và mạng 5G”, ông Dũng nhấn mạnh.
Các hình thức họp trực tuyến, học trực tuyến… dù không mới nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến trong dịch Covid-19. Một số nhà dự đoán, nhà kinh tế đã đưa ra khái niệm “nền kinh tế tại nhà”. Dịch Covid-19 đã tạo cho “nền kinh tế tại nhà” một bệ phóng mới để thực sự đi vào đời sống, ngay cả khi dịch bệnh qua đi. Nhiều hoạt động kinh tế trước đây vẫn bị giới hạn bởi thói quen của người dùng nhưng hoàn cảnh của dịch Covid-19 đã và sẽ phá bỏ những thói quen đó.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tt&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, từ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí...
“Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Và đây chính là thời cơ hiếm có cho doanh nghiệp công nghệ số. Và đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số làm để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trên cơ sở đó, Cục Tin học hoá đã làm việc với các doanh nghiệp để thực hiện chương trình “Công nghệ Việt cho cuộc sống số”, tập hợp các bộ giải pháp phục vụ nhu cầu giao tiếp không tiếp xúc trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, từ đó tuyên truyền cho cộng đồng sử dụng.
PV
"> Bộ TT&TT sẽ tập hợp các giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu không tiếp xúc