Đại diện các địa phương có món ăn được vinh danh (Ảnh: CTV) Đây là các món ăn tiêu biểu của các địa phương trên cả nước. Thủ đô Hà Nội có 4 món ăn được vinh danh trong danh sách này, gồm: Phở Hà Nội, bún ốc (bún ốc nguội, bún ốc nóng), cốm làng Vòng (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, chả cốm) và bún thang.
TP.HCM có các món ăn tiêu biểu: bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, cơm tấm Sài Gòn, món cuốn Sài Gòn và mì xào giòn.
Tại các tỉnh miền Tây, gỏi cá trích Phú Quốc, canh nấm tràm Phú Quốc (Kiên Giang), tàu hủ ky chiên giòn, cá cóc kho nước dừa (Vĩnh Long), lẩu cá trái bần (Cần Thơi), cua nướng muối tuyết (Cà Mau), bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh),... đều xuất hiện trong danh sách.
Ẩm thực của bà con dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc cũng góp mặt trong danh sách 121 tiêu biểu của ẩm thực Việt Nam, điển hình như: rượu cần (Hòa Bình), nắm khau - khâu nhục (Bắc Kạn), cháo ẩu tẩu, phở ngô (Hà Giang), vịt quay (Lạng Sơn),...
Món bún thang của Hà Nội lọt vào danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu (Ảnh: toplist) Miền Trung các món ăn tiêu biểu có: súp lươn xứ Nghệ (Nghệ An), kẹo cu đơ (Hà Tĩnh), bún bò Huế, cơm hết, bánh lọc (Thừa Thiên - Huế), cao lầu, mì quảng (Quảng Nam),...
Trong danh sách này, Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều ẩm thực được vinh danh nhất, với 6 món ăn tiêu biểu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay, Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hoá Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm hình thành 1.000 món ẩm thực tinh hoa của Việt Nam; từ đó, xây dựng data và số hóa thành bản đồ, bảo tàng trực tuyến về tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển, đưa văn hóa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia.
Theo ông Kỳ, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, trong đó có sự đóng góp của văn hóa ẩm thực. Với việc trở thành "Bếp ăn của thế giới", việc nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực sẽ góp phần thu hút và kéo khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, nâng cao vị thế cạnh tranh của điểm đến.
">