Vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 đến nay đã có kết quả bước đầu: 222 thí sinh của 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đã được trả về điểm thật. Trong số này, các trường của Bộ Công an đã trả 28 thí sinh về địa phương, một số trường (như ĐH Y Hà Nội) sẽ tiếp tục "trao trả thí sinh". Còn nhiều trong số đó vẫn đang trong hành trình "trở về quê nhà". Nhưng vẫn còn những trường hợp, dù được nâng điểm, vẫn đang theo học các trường đại học bình thường.Theo công văn của Bộ GD-ĐT gửi, các trường ĐH và các sở GD-ĐT địa phương căn cứ vào kết quả chấm thẩm định để xử lý vấn đề về tốt nghiệp THPT và xét ĐH.
Hiện tại, một số trường đại học có sự băn khoăn trong cách xử lý đối với thí sinh được nâng điểm nhưng khi trả về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội - nơi đã phát hiện có 3 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào trường - phân tích: Theo Quy chế Tuyển sinh, với những trường hợp sau thẩm định không đủ điểm trúng tuyển nhà trường phải ra quyết định buộc ngừng học. Trong trường hợp có gian lận thi cử mới quyết định buộc thôi học, còn lại thì chỉ là quyết định hủy quyết định nhập học vì chưa xác định được có yếu tố gian lận hay không.
Vì vậy, nếu sử dụng kết quả chấm thẩm định để tiến hành xử lý thì có nhiều tình huống xảy ra mà trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không đề cập tới.
Cụ thể, có 3 khả năng:
“Thứ nhất là có những thí sinh trúng tuyển theo tổ hợp xét tuyển nhưng điểm các môn để xét tốt nghiệp THPT lại không đạt, hướng xử lý là không đỗ tốt nghiệp thì cũng hủy kết quả trúng tuyển đại học.
Thứ hai là điểm sau chấm thẩm định đỗ tốt nghiệp nhưng tổ hợp xét tuyển ĐH không đạt mức điểm chuẩn thì cũng phải hủy kết quả trúng tuyển.
Hai trường hợp này thì hội đồng tuyển sinh của nhà trường hoàn toàn đủ cơ sở để kết luận buộc ngừng học.
Nhưng trường hợp thứ 3 là với điểm sau chấm thẩm định (tức điểm thật của thí sinh) vẫn đủ đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học song thực tế là những thí sinh này vốn có điểm thi bị tác động. Như vậy xử lý như thế nào?".
Vị này đặt tình huống, giả sử từ 7 điểm qua chấm thẩm định xuống chỉ còn 5 điểm một môn nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển ĐH thì sao?
“Trong quy chế tuyển sinh ghi rõ nếu thí sinh có “gian lận” trong kỳ thi THPT quốc gia thì cơ sở đào tạo sẽ hủy kết quả trúng tuyển và ra quyết định buộc thôi học. Nhưng trong công văn của Bộ GD-ĐT gửi đến các trường thì không có từ nào liên quan đến kết luận “gian lận” mà chỉ nói “điểm không chính xác”.
Không dùng để xét tuyển đại học, nâng điểm thi THPT quốc gia để làm gì?
Nếu xảy ra trường hợp thí sinh vẫn trúng tuyển sau khi được trả về điểm thật, thì một vấn đề khác tiếp tục được đưa ra là “tự nhiên” nâng điểm để làm gì?
Lý giải cho việc này, Trường phòng Đào tạo một trường ĐH nhận định có thể nâng để “đảm bảo an toàn” cho việc xét tốt nghiệp, hoặc thí sinh đó thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào những phút chót.
Ví dụ, trường hợp này xảy đến khi thí sinh ban đầu muốn xét tuyển bằng tổ hợp C03 (Toán, Văn, Sử) để vào các trường khối công an thì cần nâng điểm Toán. Nhưng sau vì một lý do nào đó mà đổi ý, đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Luật Hà Nội với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), thì chỉ cần mức tổng điểm thấp hơn, thậm chí có thể đỗ bằng chính điểm thật của thí sinh.
Chẳng hạn như ở Sơn La, nhiều em đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội. Nhưng khi vụ việc bị phát giát và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra vụ án gian lận điểm thi, một số thí sinh đã lẳng lặng chuyển hướng nguyện vọng.
Xử lý thế nào nếu điểm thật vẫn đỗ đại học?
Với những trường hợp được thông báo điểm số bị thay đổi (được nâng điểm) nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp, đủ đạt điểm chuẩn trúng tuyển đại học, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, việc tuyển sinh yêu cầu các yếu tố điểm chuẩn kết hợp phẩm chất, đạo đức, chính trị thí sinh.
“Trong trường hợp này, chắc chắn phải xét về yếu tố phẩm chất, đạo đức, chính trị. Thí sinh mặc dù điểm đủ nhưng có biết và chủ ý việc nâng điểm thi thì đuổi học là không có gì phải bàn.
Với khối công an, quân đội thì chắc chắn danh sách có sự tác động điểm số, thí sinh sẽ bị buộc thôi học dù cố ý hay vô ý, bởi không thể chấp nhận trong lực lượng có những người có liên quan việc đó. Với các trường đại học dân sự thì hoàn toàn được tự chủ, vẫn có thể cho học tiếp. Nhưng sau này khi kết quả điều tra các thí sinh này có liên quan thì đương nhiên các em vẫn sẽ bị đuổi học”.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GD-ĐT, khi cơ quan công an đã gửi danh sách về các địa phương thì đã có những xác minh, căn cứ nhất định.
Trao đổi với VietNamNet ngày 12/4, lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định những sinh viên nào lọt vào trường nhưng điểm chấm thẩm định thấp hơn chuẩn đầu vào thì trường sẽ kiên quyết xử lý loại bỏ. “Chỉ cần khi các địa phương gửi danh sách cụ thể thì chúng tôi sẽ ngay lập tức xử lý. Nhà trường sẽ làm rất nghiêm túc việc này”, ông Huy nói. Tuy nhiên, theo ông Huy, với những thí sinh mà điểm sau thẩm định vẫn đủ chuẩn thì trước mắt vẫn phải công nhận trúng tuyển cho các em này. Bởi không có căn cứ gì để buộc thôi học đối với sinh viên khi chưa xác định được do thí sinh hay do phụ huynh chạy điểm, gian lận hoặc thí sinh có biết đến việc chạy điểm này hay không. “Chuyện bố mẹ hay gia đình chạy điểm, gian lận thì lại là việc của địa phương, cơ quan công an. Nhà trường không thể tự quy kết chuyện thí sinh có đồng lõa với phụ huynh chạy điểm hay không”, ông Huy nói. |
Thanh Hùng
ĐH Y Hà Nội sẽ hủy kết quả trúng tuyển của thí sinh gian lận điểm thi
Theo đại diện Trường ĐH Y Hà Nội, những thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng có tên trong danh sách gian lận điểm thi của Hòa Bình, Sơn La... sẽ bị hủy kết quả này.
">