|
Khu vực suối Trâm vẫn tràn vết dầu thải (Ảnh chụp ngày 14/10). |
Điều này cũng được nêu tại văn bản công ty Viwasupco gửi Sở Xây dựng Hà Nội. “Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với công an xã, chính quyền địa phương, công an huyện để điều tra, làm rõ” – văn bản nêu.
Rõ ràng việc thông báo với chình quyền địa phương, công an là cần thiết còn với khách hàng sử dụng nước công ty lại không hề “hé răng” mà tự tăng hoá chất xử lý.
Quy trình xử lý của công ty được nêu cụ thể: Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên công ty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.
|
Một đập tràn thô sơ được đắp để ngăn dầu (Ảnh chụp ngày 14/10). |
Về việc xử lý váng dầu, công ty đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao.
Cùng với đó, theo vị Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tốn, công ty đã tiến hành bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý, cũng như tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l, tuy nhiên vẫn cao hơn so với hàm lượng châm trước đây là từ 0,3-0,5mg/l.
Kết quả của việc xử lý trên là ngay ngày hôm sau, ngày 10/10, người dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm…phát hiện và phản ánh nước máy sinh hoạt chảy ra từ các vòi nước tại các gia đình có mùi lạ, rất nồng nặc, khó chịu.
Các đơn vị mua nước của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà sau đó phân phối cho người dân như công ty CP Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông… ngay lập tức có văn bản gửi tới Viwasupco về hiện tượng trên để có biện pháp xử lý nhưng đều không nhận được văn bản trả lời.
|
Dầu đặc quánh đen kịt được vớt cạnh bờ suối Trâm (Ảnh chụp ngày 14/10). |
Thậm chí, trong văn bản phúc đáp sau đó, Viwasupco không hề nhắc tới việc phát hiện vết dầu mà chỉ thông báo về việc tổ chức lấy mẫu tại điểm cấp nước trong ngày 11/10 và dừng lại ở việc “hy vọng sớm nhận được kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch của cơ quan chức năng”.
Khi trao đổi với báo chí, ông Tốn cũng nhiều lần khẳng định chất lượng nước nội kiểm của công ty này là đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, những mùi lạ mà người dân cảm nhận có thể là do mùi clo. Được biết, hiện tại, công công ty vẫn đang vận hành bình thường và châm clo với hàm lượng trước đây là 0,3-0,5mg/l.
“Có thể phản ánh của khách hàng về nước có mùi lạ là do mùi clo vì nước sau xử lý theo số liệu phòng hoá nghiệm công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế” – văn bản gửi Sở Xây dựng của Viwasupco cũng khẳng định.
Nước đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế, tuy nhiên, ghi nhận phản ánh của nhiều người dân, sau ngày 10/10 nước sạch vẫn có mùi khó chịu thậm chí còn nồng nặc hơn cảm giác nước máy có mùi thuốc sát trùng, nhưng lại khét như mùi vỏ nhựa của dây điện cháy.
Và đến bây giờ, từ đơn vị cung cấp nước đến các cơ quan quản lý nhà nước đều không có một khuyến cáo về chất lượng “nước sạch” đến với người dân.
Lừa dối, vô trách nhiệm
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khi phát hiện ra việc có váng dầu, công ty nước sạch phải dừng cung cấp nước và thông báo cho người dân.
“Ở đây tôi muốn nêu ra hai vấn đề. Thứ nhất, có thể nói rằng, việc phát hiện ra váng dầu mà không thông báo vẫn cung cấp nước cho khách hàng đó là lừa dối. Sự lừa dối này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân và không bảo đảm chữ tín trong việc kinh doanh nước sạch.
Thứ 2, nếu nói về trách nhiệm thì đây là sự rất vô trách nhiệm. Đáng lẽ ra phải thừa nhận và thậm chí phải tính đến chuyện bồi thường cho người dân như thế nào theo đúng thiệt hại đang xảy ra chứ không phải chuyện lấp liếm hay tự xử lý. Tự xử lý nhưng cuối cùng có xử lý được đâu. Nước sạch vẫn nồng nặc mùi lạ. Điều này đã thể hiện rõ là nói dối và vô trách nhiệm” – GS. Võ nêu ý kiến.
Cũng theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở đây người dân chưa ý thức được quyền của mình.
“Người dân ngay lập tức có thể tập hợp chứng cứ và kiện công ty nước sạch ra toà án. Hoàn toàn người dân đủ để làm chuyện đó cả việc đòi bồi thường về cả kinh tế và sức khoẻ. Về sức khoẻ có thể không phải gây hại ngay nhưng trong tương lai người ta có thể dự đoán với nước bẩn như thế thì sẽ thiệt hại như thế nào” – ông Võ nói.
Từ sự việc này, theo ông Võ, người dân phải ý thức hơn và pháp luật và chủ động trong việc này chứ không phải chỉ dừng lại ở việc báo cáo chính quyền.
“Người dân có thể tự đem mẫu nước đi kiểm định và đó là chứng cứ về phía người dân. Bởi nhiều khi chính quyền cũng không thể hiện hết trách nhiệm thì cuối cùng vẫn rơi vào người dân bị thiệt hại mà không ai bảo đảm cho mình. Việc kiện ra toà để lấy lại công lý là quyền của người dân và đó là cách thức của một xã hội hiện đại. Nếu không chúng ta lại trả tiền cho nước bẩn?” – ông Võ đặt vấn đề.
“Con người có 3 thứ cần là thực phẩm, nước, không khí. 3 cái đó càng sạch thì có nghĩa đời sống của người dân càng tốt, sức khoẻ người dân càng bảo đảm. Đó là 3 điều tối thiểu nhất mà chính quyền phải lo cho người dân. Câu chuyện môi trường là câu chuyện rất lớn của Hà Nội. Nước thì như vậy, không khí thì ô nhiễm vào nhóm cao trên thế giới. Thực phẩm thì không bảo đảm, không rõ nguồn gốc. Người dân phải ý thức được quyền của mình để bảo vệ cho quyền của chính mình” - GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.">