Xu thế tiêu dùng xanh Như bao buổi sáng của hàng nghìn ngày qua, anh Đỗ Thanh xách túi đi chợ. “Ngay cả đi siêu thị, nhà chúng tôi vẫn mang túi và hộp đựng sẵn đi ” - anh chỉ vào chiếc túi 2 quai vải bạt, loại mỏng nhẹ, chống thấm nước.
Từ một thanh niên thích sống nhanh, gọn, tiện, kể từ khi lập gia đình, suy nghĩ của anh Thanh thay đổi. “Vợ tôi theo đuổi lối sống giảm rác, quan điểm của cô ấy là mỗi người bớt đi một cọng rác. Lâu dần, bố con tôi làm theo và nhận ra nhà mình giảm rác thật ”.
Anh Thanh liệt kê, trước đây mỗi buổi đi chợ về nấu nướng và cất đồ vào tủ lạnh sẽ bỏ đi khoảng 5-6 túi nilong. Bây giờ đã không còn cảnh đó nữa, anh nhận thấy giảm rác bắt đầu từ tiêu dùng xanh.
Trên các group Sống xanh với hàng ngàn thành viên, họ mách nhau cách giảm rác và lựa chọn những cửa hàng, sản phẩm có cùng chung chí hướng. Chị Phan Thị Dương ở Thanh Hóa cho biết, muốn có sản phẩm an toàn thì phía cung ứng sản phẩm cũng phải đảm bảo quy trình của họ không chỉ sạch sẽ mà còn là ít xả rác.
Chị Dương lấy ví dụ, khi đi mua thực phẩm trong siêu thị, chị chọn những sản phẩm được đóng gói bằng vật liệu tái chế hoặc có thể tái chế. “Tôi luôn bị ấn tượng bởi dòng chữ nhỏ của nhà sản xuất in trên bao bì là khay đựng từ bã mía hoặc xin hãy tái chế hộp ”.
Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng quyết định lớn đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Mỗi ngày sản phẩm được tung ra thị trường, cạnh tranh từ giá cả, mẫu mã, dịch vụ hậu mãi. Khi mà nghèo đói không phải là lý do để người tiêu dùng dè dặt chi tiêu nữa, họ quan tâm đến vòng đời sản phẩm, quy trình đóng gói và đóng góp của doanh nghiệp vào môi trường.
“Khi mua sản phẩm của doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho môi trường, bản thân mình vừa an tâm vừa muốn ủng hộ để có nhiều hơn doanh nghiệp có hành động cụ thể như giảm rác, giảm tiêu thụ năng lượng ” - chị Dương nói.
Trong báo cáo mới đây của WWF chỉ ra: Người tiêu dùng trực tuyến là người tiêu dùng “thông minh” và thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ cao. Nếu họ ý thức được những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa tới môi trường họ sẽ tích cực ủng hộ các giải pháp hạn chế rác thải nhựa.
Doanh nghiệp “được” và “mất”
Về việc tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, cho rằng, tiêu dùng xanh là cách vừa tiết kiệm, vừa bền vững.
“Trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng này thì chúng tôi đánh giá vai trò bán lẻ đóng một mắt xích rất quan trọng, nó vừa đưa ra định hướng và các tín hiệu định hướng cho các khâu sử dụng, khai thác tài nguyên cũng như sản xuất, để chúng ta hướng đến một nền kinh tế mà phát thải thấp, nền kinh tế xanh hơn và giảm thiểu sử dụng năng lượng ”.
Theo ông Vũ, doanh nghiệp không phải “chờ” người tiêu dùng nhận thức và thay đổi, chính nhà sản xuất và đơn vị bán lẻ đã gửi “tín hiệu môi trường” đến người tiêu dùng thông qua sản phẩm của họ.
Khảo sát của WWF về rác thải nhựa trong mua sắm trực tuyến chỉ ra: Hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt là ngành “quần áo, thời trang, phụ kiện” có đến 90% thương nhân sử dụng loại bao bì này để đóng hàng.
Đa số thương nhân (chiếm 65%) sử dụng mút xốp hoặc xốp nylon bong bóng khí để chèn sản phẩm, 80% thương nhân thường xuyên sử dụng băng keo nhựa.
Một số thương nhân mạnh dạn thay đổi quy trình đóng gói và giao hàng, đó là sử dụng vật liệu thân thiệt môi trường hoặc tối ưu hóa hộp đựng. Những “gian hàng này” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người mua.
“Tôi đã dùng rơm bỏ vào hộp để chống sốc cho sản phẩm và dùng giấy báo bọc bên trong sản phẩm thay vì túi nilon. Nhiều người mua hàng đã ủng hộ chúng tôi vì thông điệp này ” - Chị Dương Lan Anh, chủ shop online mặt hàng quà tặng và làm đẹp, chia sẻ.
Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Khối vận hành khu vực phía Bắc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết, kết quả đáng mừng trong giao dịch thanh toán tại siêu thị AEON trước những năm 2019 chỉ có khoảng 0,1% giao dịch thanh toán tại AEON không dùng túi nilon.
“Tuy nhiên, sau khi triển khai kinh tế tuần hoàn cuối năm 2022 thì đến trên 7% giao dịch của chúng tôi đã không dùng túi nilon và chúng tôi thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường như là túi bạt …” - đây là một trong những cái kết quả tích cực của siêu thị.
Sức lan tỏa của chương trình đã vượt qua ngoài siêu thị. “Bà con cũng rất hào hứng tham gia. Bởi vì chúng tôi có những giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là khi mà khách hàng tự mang túi đến để mua thì sẽ được hỗ trợ 1000 đồng để khuyến khích bà con ” - ông Tuấn thông tin.
WWF cũng đưa ra kiến nghị, cần phổ biến chính sách môi trường cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao “quyền lực” người mua. Đó chính là việc vận động, khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm từ các thương nhân hay doanh nghiệp chuyển phát thân thiện với môi trường, hoặc mua các sản phẩm có nhãn xanh, nhãn sinh thái trên các nền tảng thương mại điện tử. Như vậy, nếu phía cung ứng sản phẩm quay lưng với xu hướng này, họ là bên thiệt nhiều nhất.
Hà An" width="175" height="115" alt="Tiêu dùng xanh quyết định sự chuyển đổi cấp thiết của doanh nghiệp" />