Bệnh viện nhi ở TPHCM liên tục ghép gan, thận cứu nhiều trẻ cận kề cửa tử
Ngày 17/10,ệnhviệnnhiởTPHCMliêntụcghépganthậncứunhiềutrẻcậnkềcửatửtin an ninh đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, vài tuần gần đây, nơi này đã thực hiện 5 ca ghép tạng cho các bệnh nhi.
Cụ thể, có 4 trường hợp ghép gan, 1 ca ghép thận. Đặc biệt, có 3 ca được phẫu thuật chỉ trong 4 ngày.
Trường hợp ghép gan thứ nhất là bệnh nhi tên N.N.T.Y. (SN 2017, quê Bình Dương), có tình trạng chậm tăng trưởng, xơ gan. Trước ghép, trẻ được chẩn đoán xơ gan, tăng áp cửa, teo đường mật (đã phẫu thuật Kasai). Ca phẫu thuật của bé Y. thực hiện ngày 26/8.
Trường hợp thứ hai là bé trai tên N.H.P.Q. (SN 2022, quê Hậu Giang), bị chậm tăng trưởng, suy gan, vàng da sậm, xuất huyết tiêu hóa, có chỉ định ghép gan. Chẩn đoán trước mổ của bệnh nhi là xơ gan, đã phẫu thuật Kasai vì teo đường mật bẩm sinh. Bé được ghép gan ngày 28/8.
Đến ngày 30/8, các bác sĩ tiếp tục ghép gan cho bé K.M.K. (SN 2021, quê Gia Lai). Trước đó, bệnh nhi chậm tăng trưởng, xuất huyết tiêu hóa rất nhiều lần, xơ gan, tăng áp cửa, teo đường mật đã phẫu thuật Kasai.
Trường hợp ghép gan gần nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là của bé Đ.H.H.P. (2 tuổi), bị xơ gan (đã mổ Kasai), xuất huyết tiêu hóa tái phát nhiều lần. Bệnh nhi được phẫu thuật ngày 1/10.
Hiện tại, bé P. đã cải thiện chức năng gan, ăn đường miệng được, còn tràn dịch màng phổi phải, đang tiếp tục được hỗ trợ thở CPAP... Với các trường hợp ghép gan vào tháng 8 đều đã ổn định sức khỏe, trong đó bé K.M.K. vừa xuất viện ngày 8/10.
Trường hợp được ghép thận là bé gái tên P.H.B.N. (12 tuổi). Trước đó, vào tháng 9/2023, bệnh nhi đi khám chậm tăng chiều cao thì được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, phải tiến hành lọc màng bụng vào tháng 12/2023.
Từ tháng 2, gia đình đã có nguyện vọng ghép thận cho bé. Đến ngày 12/9, trẻ được tiến hành phẫu thuật ghép thận trái vào hố chậu phải, từ người hiến là mẹ ruột. Ca ghép có sự phối hợp của ekip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan mật tụy và Ghép gan cho biết, để thực hiện 3 ca ghép gan chỉ trong một tuần, các chuyên gia của bệnh viện phải sắp xếp, chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đây là kỳ tích đáng mừng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ có chỉ định ghép tạng.
Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện tổng cộng 31 ca ghép thận và 41 ca ghép gan.
Trước đó vào tháng 7, Bệnh viện Nhi đồng 2 lần đầu tiên mổ ghép gan cho bé gái 3 tuổi mắc hội chứng Budd - Chiari (rối loạn khiến các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi gan bị hẹp, hoặc bị tắc do cục máu đông) hiếm gặp. Sau mổ, bé có quá trình hồi phục tốt.
Các bác sĩ cho biết, những năm qua nhờ sự phát triển của y học, tỷ lệ tử vong do biến chứng huyết khối động mạch sau mổ ghép gan trên thế giới đã giảm từ khoảng 20% xuống còn 1,7-2%. Riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tỷ lệ này thấp đáng kinh ngạc (chỉ có một ca gặp phải trong tổng số ca đã ghép).
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 hy vọng, với sự phát triển về nhận thức của cộng đồng, tương lai Việt Nam sẽ có nhiều hơn nguồn tạng hiến từ người cho chết não, để người bệnh có thêm những cơ hội sống.
"Từ giờ đến 30/4 năm sau, chúng tôi sẽ khánh thành tòa nhà kỹ thuật cao. Bệnh viện sẽ cố gắng thực hiện được 50 ca ghép gan để chào mừng cột mốc này", bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 nói.