Theo kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư vừa được UBND TP Hà Nội công bố, đơn nguyên 2 thuộc khu nhà G6A xếp loại D đặc biệt nguy hiểm. Trong khi đó, người dân tại đây lại có những ý kiến khác nhau.Chính quyền nói nguy hiểm, dân bảo… chưa?
Được đưa vào sử dụng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chung cư G6A Thành Công (đơn nguyên 1,2) được đánh giá thuộc nhà nguy hiểm cấp D, cấp độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình. Vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình bố trí nhà tạm cư và lập phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.
|
Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công được xếp hạng D đặc biệt nguy hiểm tại Hà Nội |
Có mặt tại khu tập thể Thành Công ngày 22/2, sau khi văn bản của UBND TP được ban hành, tìm đến chung cư G6A đơn nguyên 2, theo lối cầu thang thấp tối chúng tôi gặp ông Nghiêm Xuân Tuy – Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu dân cư 12. Chỉ tay quanh ngôi nhà hai vợ chồng ông đang sinh sống tại nhà G6A ông Tuy cho biết, ông về đây ở từ năm 1999 đến nay cũng không thấy hiện tượng xuống cấp chỉ duy nhất chỗ nối ra khu vực nới ngoài ban công có vết nứt thôi. Cửa đóng vào vẫn êm không bị vênh lệch gì.
Theo ý kiến chủ quan của ông cũng như nhiều hộ dân sinh sống tại đây phản ánh ý kiến tới ông thời gian qua thì họ chưa thấy mức độ nguy hiểm phải di dời. “Ở đây hai chục năm nay thì nó cũng không thấy lún thêm, phát triển gì thêm nữa đâu. Người ta bảo không sao cả. Vết nứt ở 2 tòa nhà vẫn ổn định. Nhưng đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan còn cơ quan chức năng họ còn đánh giá trên nghiên cứu chuyên môn” – ông Tuy nói.
|
Ba lô, chuồng cọp vây kín nhà G6A Thành Công |
Trong khi đó quan sát vết nứt giữa 2 tòa nhà mà ông Tuy cho là “vẫn ổn định” là khe hở giữa 2 nguyên đơn của tòa nhà G6A chạy dài từ nền lên tận trên cùng tòa nhà. Tình trạng nứt dột cũng diễn ra tại không ít căn hộ. Tình trạng cơi nới phổ biến tại các căn hộ. Có hộ đua ra ban công khoảng 1 – 1,5m, có hộ tận dụng cơi nới đeo balo, chuồng cọp được diện tích bằng cả 2 phòng gấp đôi diện tích thực tế căn hộ.
Trước thực trạng xuống cấp của tòa nhà, khi được hỏi người dân tỏ ra lo lắng nhưng khi nói tới chuyện di dời họ như trùng xuống. Bởi nhìn sang cảnh chung cư C1, bị di chuyển đi từ năm 2008 mà đến giờ vẫn “chưa đâu vào đâu” thì cũng không khỏi hoang mang.
Ngổn ngang di dời
Ghi nhận ý kiến từ một số hộ dân tại nhà G6A cho biết đến nay họ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ chính quyền quận phường. Các hộ dân mới chỉ biết thông tin qua việc tìm hiểu nghe xem trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng nằm trong danh sách 42 chung cư cũ nguy hiểm, nhà A1 Giảng Võ được đánh giá mức độ nguy hiểm loại C. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh tổ trưởng tổ dân phố nhà A1 cho biết người dân ở đây cũng không biết về thông tin này. Theo bà Thanh năm ngoái Sở Xây dựng cũng cử đoàn xuống khảo sát nhưng đến nay sau gần 1 năm vẫn chưa thấy có chuyển biến gì.
|
Nhà A1 Giảng Võ nhằng nhịt với hệ thống ống nước tự phát của người dân. |
Phản ánh về cuộc sống tại khu nhà nằm trong mức độ nguy hiểm loại C này, bà Thanh cho biết, sống tại khu này cũng là quá cùng cực. Công trình phụ chung thì cực kỳ xuống cấp. Nhiều nhà tự đua ban công làm công trình phụ thải thẳng xuống đường cống chính rất ô nhiễm môi trường.
Các nhà trên tầng 4 do điều kiện sinh hoạt chật chội quá thì người ta lại đua nhau làm đè lên trên mái. Sự xuống cấp càng xuống cấp hơn hiện tượng nứt thấm dột khi trời mưa rất sợ. Nhà nào cũng phải chăng nilon bê thùng, chậu ra để hứng. Hành lang, cầu thang chật chội ẩm thấp. Hành lang cầu thang nhà A2 cũng chỉ còn trơ những thanh sắt hoen gỉ.
Dù xuống cấp, dù lo lắng nhưng cũng giống như không ít người dân tại khu nhà G6A Thành Công khi nhắc tới chuyện di dời người dân cũng thấy trăm nỗi ngổn ngang. “Không cần phải nhìn đâu xa ngay ở B6 Giảng Võ sau bao nhiêu năm đến nay vẫn chưa thấy gì nhô lên mặt đất nên người dân cũng khó có niềm tin” – bà Thanh nói.
Còn với những người dân nhà G6A Thành Công, câu chuyện về nhà C1 vẫn còn đó. Câu hỏi đau đáu của người dân vẫn là bao giờ họ được về nhà sau khi di dời. Các quyết định này có khả thi hay không, việc thực hiện dựa trên cơ chế nguồn kinh phí như thế nào còn đang là điều mà dư luận đặt câu hỏi, bởi sau rất nhiều văn bản báo cáo, mới chỉ có 1% trên tổng số 1.500 tòa chung cư cũ được sửa chữa.
Hồng Khanh
Tổng kiểm tra, rà soát chung cư cũ trên cả nước" alt="Chung cư cũ Hà Nội: sống trong sợ hãi"/>
Chung cư cũ Hà Nội: sống trong sợ hãi