Dẫu thích hay không,ốhóahaylàchếdiễn biến chính crystal palace gặp man city ta phải thừa nhận, giới công nghệ đã thành công rực rỡ. Từ cái xác của bong bóng dotcom, chỉ hai thập kỷ, Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft trở thành những công ty có giá trị nhất nước Mỹ, với hàng loạt sản phẩm được hàng tỷ người tin dùng. Đó là chưa kể những "siêu kỳ lân" như Dropbox, Uber, Twitter hay mới đây là Airbnb, Doordash và Snowflake.
Ở đâu có thành công, ở đó có bắt chước. Không riêng Việt Nam mà cả thế giới đều hỏi: bí mật của các công ty thành công là gì? Giới công nghệ trả lời ngay: chuyển đổi số, tức là dùng công nghệ để "thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới" - định nghĩa của Tập đoàn Dữ liệu toàn cầu IDC.
Thế là nhà nhà chuyển đổi số, ai ai cũng AI. Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức. Tại Việt Nam, Nghị quyết 52/NQ-TW và Quyết định 749/QĐ-TTg đã đưa chuyển đổi số trở thành chương trình hành động quốc gia.
Về mặt chiến lược, tôi hoàn toàn đồng ý phải áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và vận hành đất nước, tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi có người tuyên bố như thể đây là ý tưởng mới. Nhưng về cách làm, tôi nghĩ còn nhiều điều cần làm rõ.
Trước tiên, chuyển đổi số đang là một "sản phẩm" bán rất chạy. Có rất nhiều công ty đang muốn bán các sản phẩm, dịch vụ giúp thực hiện chuyển đổi số. Người bán luôn thổi phồng giá trị sản phẩm của họ, theo kiểu "số hóa hay là chết".
Vậy ai đang bán công nghệ chuyển đổi số? Các công ty công nghệ! Bạn tôi mới tự hào thông báo công ty anh ấy lọt vào danh sách được mua chip mới nhất của Nvidia. Lẽ thường, chỉ người bán mừng khi ký được hợp đồng, Nvidia quá "siêu" khi khiến người mua cũng mừng luôn. "Dữ liệu là nguồn dầu mới", ai cũng muốn "đào" mỏ dầu, nên giới công nghệ tha hồ bán cuốc xẻng hốt bạc. Từ năm 2015 đến nay, cổ phiếu Nvidia tăng tới 1.800%.
Làm việc ở Thung lũng Silicon, tôi đã tận mắt chứng kiến các công nghệ chuyển đổi số như AI hay điện toán đám mây đem lại lợi ích to lớn như thế nào. Nhưng nói các tập đoàn công nghệ thành công nhờ áp dụng công nghệ thì cũng giống như nói chị Bảy bán bún riêu đắt khách nhờ nấu ngon. Câu hỏi đúng là: vì sao họ chế được những công nghệ, sản phẩm không ai làm được?
Tôi đã suy nghĩ về câu hỏi này một thời gian dài, nhưng không tìm được lời đáp ưng ý. Năm ngoái tôi có dịp gặp gỡ David Eaves, giảng viên chính sách công nghệ và chính phủ điện tử, trường Chính sách công Kennedy ở Harvard. Eaves cho tôi đáp án ngắn gọn: giới công nghệ đang thống lĩnh nhờ khả năng thay đổi và học nhanh hơn phần còn lại của thế giới.
Eaves kể, nhiều lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp lớn đến Harvard hỏi nên chuyển đổi số bằng công nghệ gì, nhưng Eaves luôn nói ông ấy không dạy một công nghệ cụ thể, mà dạy phương pháp suy nghĩ của giới công nghệ, tức tư duy số. Công nghệ tốt cỡ nào rồi sẽ trở nên lỗi thời, nhưng nếu biết cách học và thay đổi nhanh sẽ không bao giờ lạc hậu.
Theo thống kê của Google, mỗi ngày các kỹ sư ở đây thực hiện hơn 60 ngàn thay đổi lớn nhỏ để cải tiến các sản phẩm của công ty. 60 ngàn, tức là khi bạn đọc xong câu này, Google đã thực hiện xong vài cải tiến. Tốc độ vầy mà không phải Google làm gì cũng thành công và kịp thời.
Thay đổi và học thật nhanh không chỉ là chiến lược mà còn là "bánh mì và bơ" của các tập đoàn công nghệ. Nhìn sản phẩm của họ là biết. Điện toán đám mây giúp nhanh chóng thử nghiệm các sản phẩm mới mà không cần tốn thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng. AI giúp tự động hóa và nhanh chóng học những thông tin quan trọng nhất từ mớ bòng bong dữ liệu đã thu thập được. Giới công nghệ đầu tư vào những công nghệ này trước tiên để phục vụ nhu cầu của chính họ.
Nếu chỉ cần giỏi một công nghệ sẽ mãi thành công, có lẽ hôm nay ta vẫn còn xài điện thoại Nokia, chụp hình bằng Kodak, chat qua Yahoo! Messenger. Ở mỗi thời điểm, các công ty vẫn đầu tư cho những công nghệ đương đại. Nhưng muốn ở đỉnh cao, phải giữ được phong độ - tức khả năng thích ứng nhanh và không ngừng học hỏi.
Và không công nghệ nào có thể giải quyết được nạn trì trệ, quan liêu. Tôi đã nghe một tập đoàn Việt Nam đầu tư hàng triệu USD mua hệ thống thương mại điện tử của nước ngoài, nhưng muốn đổi font chữ thôi cũng phải chờ đối tác vài tuần. Tôi mới truy cập thử, thấy website đã "chết lâm sàng".
Cũng không phải cứ nhét công nghệ vào là thành "số" hết. Tôi đã thấy có nhà băng khoe là "ngân hàng số", nhưng muốn sửa gì, kỹ sư phải viết đơn chờ ba cấp lãnh đạo phê duyệt. Đồng ý rằng đi chậm có thể chắc hơn, nhưng tôi e là do ở dưới sợ trách nhiệm, ở trên thì lo mất kiểm soát. Tôi coi đánh giá, mười khách hàng hết chín than phiền app chậm và hay bị lỗi.
Ngược lại, không cần phải có công nghệ đình đám mới được coi là "số". Nơi nào tạo điều kiện tối đa để nhân viên làm việc, cổ vũ tự do sáng tạo, khuyến khích đảm nhiệm trọng trách, chấp nhận sai sót mà không đổ lỗi cá nhân, nơi đó đã bắt đầu chuyển đổi số thành công.
Chuyển đổi số, do đó, không phải là chuyển từ "offline" sang "online", từ giấy tờ sang máy tính, từ thủ công sang tự động, mà là chuyển đổi tư duy. Câu hỏi không phải "tôi sẽ dùng công nghệ gì" mà là: tôi phải suy nghĩ thế nào để có thể thay đổi nhanh và học không ngừng.