PGS.TS.BS Đoàn Quốc Hưng (sinh năm 1968 tại Hà Nội) là Trưởng Bộ môn Ngoại, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.Ngày 21/10/2020 vừa qua, PGS Hưng được Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Thanh Long giao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng quản lý, điều hành Trường ĐH Y Hà Nội.
Vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo, theo PGS Hưng, sẽ có phần áp lực, nhưng “bác sĩ là nghề, giáo viên là nghiệp. Nghiệp giáo viên ngấm vào trong máu mình, và với nghiệp giáo viên, sẽ không có sự tính toán thiệt hơn, chỉ có tình yêu và trách nhiệm với sự trưởng thành của học trò”.
Nghiệp làm thầy của bác sĩ ngoại khoa
PGS.TS.BS Đoàn Quốc Hưng sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề giáo. “Từ thời ông nội làm nghề dạy học, đến bố tôi là giảng viên trong quân đội cho đến lúc nghỉ hưu; còn mẹ tôi là giáo viên giảng dạy tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên, Trường Nguyễn Du. Bố mẹ là những người góp phần nhiều nhất trong việc hình thành nên con người của tôi hiện tại”.
Giai đoạn chuẩn bị thi đại học vào những năm 1984-1985, Hưng được mẹ đưa tới giảng đường của Trường Đại Học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội). Đứng trước giảng đường rất đẹp được xây từ thời Pháp thuộc, bà nói: “Ngày xưa mẹ cũng rất thích học Y nhưng chưa có điều kiện. Đây là niềm mơ ước của mẹ. Nếu con thực lòng muốn theo ngành Y, hãy cố bước chân vào giảng đường này”.
Đó cũng là thời điểm Hưng đang “mê mẩn” với ngành học này sau khi xem được bộ phim “Thầy lang” của Ba Lan. “Đó là bộ phim rất hay nói về cuộc đời của một vị bác sĩ ngoại khoa. Ông đã rời bỏ ngôi trường Đại Học Y ở Thủ đô Warszawa đủ đầy, rời bỏ bệnh viên trung ương hiện đại, để về quê hành nghề trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh và những kiến thức học được trong thời gian làm bác sĩ ở bệnh viện trung ương, ông đã cứu chữa được cho rất nhiều người. Tôi vô cùng cảm phục con người đức độ ấy”.
Sau đó, cậu học trò Đoàn Quốc Hưng quyết định lựa chọn theo học ngành Bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, niên khóa 1985-1991.
PGS.TS Đoàn Quốc Hưng (thứ 2, bên phải) cùng đồng nghiệp
Năm 1991, anh tốt nghiệp và chọn học tiếp bác sĩ nội trú - cao học Ngoại khóa 1 tại trường ĐH Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Lý do là bởi, “khi bước chân vào trường Y, tôi thấy rất nhiều tấm gương đi trước. Đó là các bậc thầy, bậc đàn anh luôn nhiệt huyết với công việc. Họ hết lòng điều trị cho bệnh nhân bằng cả khối óc trái tim và đôi tay. Nhìn những tấm gương như thế, tôi mong mình cũng được một phần như các thầy”.
9 năm đào tạo liên tục tại Trường ĐH Y Hà Nội cũng khiến anh Hưng luôn cảm thấy tự hào về truyền thống gắn bó tại ngôi trường này.
“Sinh viên y chúng tôi có một truyền thống, ngay từ năm 2, sinh viên khóa trên đã có thể giảng dạy lại cho các em khóa dưới. Anh em trên dưới nhau một khóa cũng đã là thầy, tôn trọng nhau. Sự tiếp nối ấy cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, việc trở thành người làm nghề giáo cũng đến với tôi rất tự nhiên”.
Học ngành Y tự thân phải muốn trở thành bác sĩ giỏi
Trở thành giảng viên bộ môn Ngoại của Trường ĐH Y Hà Nội, điều đầu tiên thầy Hưng luôn nhắc nhở học trò trong mỗi lần đứng lớp, đó là: “Mỗi sinh viên khi bước chân vào trường Y Hà Nội, sau này ra trường đều phải trở thành các bác sĩ xuất sắc. Đây là điều sinh viên luôn cần tâm niệm trong đầu, trong tim”.
Anh cho rằng, khi có mục tiêu như thế, giáo viên không nhất thiết phải bắt các em học thế này, thế kia; sinh viên đi học sẽ không cần bất kỳ chế tài nào, cũng không cần ai phải kiểm soát, mà tự thân muốn vươn lên để trở thành bác sĩ xuất sắc.
Do đó, rất nhiều năm bước chân vào giảng đường, PGS Hưng luôn nói với học trò rằng mình sẽ không điểm danh bất kỳ ai. Nếu cảm thấy giảng viên giảng chán quá, sinh viên hoàn toàn có thể tự học tại nhà, miễn kết thúc môn vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu ra.
“Tôi không muốn vì điểm danh mà bất kỳ sinh viên nào phải miễn cưỡng ngồi nghe những điều các em không muốn. Điều này quả thực là vô ích. Nếu các em thật tâm muốn học thì dù có hệ thống thanh tra, các thầy cô giáo vụ hay điều gì đi chăng nữa,… cũng đều rất ít ý nghĩa”.
PGS Hưng đang hướng dẫn sinh viên học lâm sàng
Đó là khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến khi ra hành nghề, thầy Hưng lại dặn dò sinh viên, “đứng trước người bệnh, có dạy bao nhiêu điều y đức cũng là không đủ và đó chỉ là lý thuyết. Do vậy, nguyên tắc quan trọng nhất khi đứng trước người bệnh, đó là phải coi người bệnh như người thân của mình”.
Điều đó có nghĩa, đứng trước bệnh nhân, người hành nghề y phải biết đặt câu hỏi, nếu đây là người thân của mình thì mình sẽ làm như thế nào. Và khi mình chữa trị cho người nhà thế nào thì cũng phải làm đúng cho người bệnh như vậy, từ những quyết định về khía cạnh chuyên môn lẫn khía cạnh kinh tế, xã hội, tình cảm. Nắm vững nguyên tắc ấy, bác sĩ sẽ luôn nhẹ nhàng, không bao giờ gắt gỏng với bệnh nhân, làm những điều phù hợp nhất, tốt nhất cho từng người bệnh.
“Giá như có thêm nhiều bác sĩ giỏi…”
Gần 30 năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức và Trường ĐH Y Hà Nội, có những lúc anh Hưng từng nghĩ mình đã làm tốt công tác chữa bệnh, cứu người. Nhưng khi nhìn thấy không ít bệnh nhân mỗi ngày được đưa đến bệnh viện, điều đó lại tiếp tục khiến anh trăn trở: “Giá như có thêm nhiều bác sĩ giỏi hơn thì nhân dân có thể được nhờ”.
PGS.TS Đoàn Quốc Hưng chụp ảnh cùng con gái sau một ca mổ tim. Cô con gái sau khi được trực tiếp theo dõi ba làm việc cũng mong muốn sẽ được nối nghiệp ba.
Anh cho rằng, một bác sĩ giỏi chỉ có thể cứu chữa một số lượng hạn chế bệnh nhân mỗi ngày, mỗi tuần; nhưng với 10 – 20 bác sĩ giỏi, con số ấy có thể nhân gấp 10 – 20 lần. Do vậy, muốn cứu chữa được nhiều người bệnh, đó phải thuộc về vấn đề của hệ thống đào tạo, trong đó có nhà trường và các bệnh viện thực hành, với nòng cốt là các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố.
Theo PGS Hưng, hiện nay số lượng bác sĩ được đào tạo nội trú còn quá ít. Sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ có trình độ cao này chủ yếu tập trung ở một số bệnh viện trung ương và nhà trường. Trong khi đó, số lượng lớn các bệnh viện địa phương, thậm chí ngay tại bệnh viện của hệ thống y tế Hà Nội lại chưa đủ bác sĩ giỏi để phục vụ cho người bệnh.
“Việc thiếu bác sĩ giỏi hay nhân lực y tế chất lượng cao là một trong những căn nguyên cơ bản gây ra việc quá tải tại các bệnh viện các tuyến”, PGS Hưng nói.
Do đó, anh cho rằng, cái đích tiến tới của nhà trường là tất cả các sinh viên trường y sau khi tốt nghiệp 6 năm đều phải có cơ hội được học tiếp nội trú (ít nhất 3 năm, tùy theo chuyên ngành) nếu muốn hành nghề y.
“Trước đây, chúng ta tập trung đào tạo ra những lứa bác sĩ “tuy ít nhưng tinh” nên chỉ có 10% sinh viên sau khi tốt nghiệp được học tiếp nội trú. Tuy nhiên, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú theo kiểu “elite” (tinh hoa) này giờ đây đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn Việt Nam, cũng như với thông lệ của khu vực và thế giới.
Do đó, một trong những đột phá mà Trường ĐH Y Hà Nội đề xuất với Bộ Y tế là phải thay đổi theo hướng tất cả các sinh viên Y sau khi tốt nghiệp cần phải học nội trú trước khi hành nghề. Như vậy, sinh viên y phải học tối thiểu 9 năm mới có thể làm việc tại các cơ sở y tế”.
Niềm hạnh phúc của người làm nghề y
PGS Hưng nói, mình cũng giống như nhiều thế hệ sinh viên y, luôn cảm thấy tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, dưới sự dạy bảo của nhiều thế hệ thầy cô.
“Nhắc đến điều này, có rất nhiều tấm gương thầy cô mẫu mực không thể kể hết. Tuy nhiên, tôi phải cảm ơn hai người thầy đã dìu dắt mình trên hành trình trở thành bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật Tim Mạch - Lồng ngực. Đó là GS.BS Đặng Hanh Đệ, Nguyên Phó trưởng bộ môn Ngoại, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức và PGS.VS.BS Tôn Thất Bách, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”.
GS Tôn Thất Bách trao bằng tốt nghiệp nội trú cho PGS.TS Đoàn Quốc Hưng vào năm 1995
“Chính thầy Bách là người đầu tiên tin tưởng trao cho tôi quyền đứng mổ một ca tim hoàn chỉnh dưới sự giám sát của thầy. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào.
Còn đối với GS Đệ, người thầy vô cùng tâm huyết luôn nhắc nhở chúng tôi: “Khi bước chân vào cuộc mổ, em phải sống với cuộc mổ ấy”. Câu nói đó, đến giờ tôi vẫn truyền lại cho sinh viên của mình.
Cả đời này, có lẽ chúng tôi luôn phải nhìn các thầy làm tấm gương và luôn mong bản thân có thể được bằng một phần tài năng chuyên môn, nhân cách và tâm huyết của các thầy”.
Thúy Nga
Thầy hiệu trưởng… không dám tắt điện thoại
Từ lúc còn là giảng viên đứng lớp đến khi trở thành lãnh đạo của một trường đại học, chưa khi nào thầy Tùng dám tắt điện thoại, chỉ vì biết rằng bất cứ lúc nào cũng sẽ có học trò cần tìm đến mình.
" alt="Nghiệp làm thầy của bác sĩ ngoại khoa Trường Đại học Y Hà Nội"/>