Thưa ông,Đổimớisángtạonhưcơmănnướcuốngvớingườyemen ngày 01/6/2022 đánh dấu chặng đường 33 năm thành lập, phát triển của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngày lễ kỉ niệm này được gọi là Ngày Sáng tạo Viettel. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo (ĐMST) có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Viettel nói riêng?
Với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ như Viettel nói riêng ĐMST là một yêu cầu bắt buộc. Nếu không có ĐMST các doanh nghiệp không thể tồn tại được. Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn thay đổi, khác biệt. Công nghệ phát triển sinh ra hàng loạt dịch vụ mới, doanh nghiệp mới. Không thay đổi, không khác biệt đồng nghĩa với việc tự đào thải.
Tại Viettel, ĐMST đã trở thành một trong những giá trị cốt lõi của Viettel, đóng vai trò “sức sống” cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển, hoạch định chiến lược. Tính trong giai đoạn 10 năm, từ năm 2011 – 2021, nội bộ Viettel đã có 79 nghìn sáng kiến ý tưởng (SKYT) được đăng ký. Như vậy, trung bình mỗi giờ Viettel có thêm một ý tưởng mới trong suốt 10 năm. Hơn 10 nghìn SKYT được công nhận đã đem lại giá trị làm lợi hơn 5,3 nghìn tỷ đồng cho Viettel.
Nhìn lại quá trình phát triển của Viettel suốt 33 năm qua, ông đánh giá đâu là những quyết định hay hành động sáng tạo mang tính đột phá ấn tượng nhất của Viettel?
Ở mỗi thời kỳ lịch sử, người Viettel luôn tự hào về những thành tựu trong ĐMST, làm nền tảng cho sự phát triển để đưa Viettel đến ngày hôm nay. Giai đoạn 1989-2000 Viettel hoạt động chính trong mảng xây lắp, thi công, các kĩ sư Viettel đã có những giải pháp táo bạo để dựng lên những công trình tháp truyền hình ở nơi khó khăn đến mức “không ai dám nhận”.
Trong những năm 2000-2010, Viettel bước vào lĩnh vực viễn thông đã xuất hiện nhiều cách làm cực kỳ táo bạo và sáng tạo mà câu chuyện biến 2 sợi cáp quang trở thành đường trục đã trở thành “huyền thoại”. Viettel đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang với cự ly xa đến 2.000 km, dung lượng 2,5Gbps. Đường trục thông tin quân sự hữu tuyến đầu tiên của Quân đội được thi công, lắp đặt trong gần một năm hoàn toàn do các chuyên gia Viettel đảm nhiệm.
Đến khi Viettel cung cấp dịch vụ di động thì việc thiết kế trạm thu phát sóng di động (BTS) cũng là một minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo liên tục không ngừng của Viettel. Viettel đã tự nghiên cứu, phát triển phương pháp quy hoạch mạng lưới theo cách “vẽ mắt lưới” để nhân tốc độ xây dựng trạm lên hàng trăm lần.
Một sáng tạo nữa, ở cấp độ tư duy chiến lược, chính là việc Viettel định nghĩa di động là dịch vụ bình dân. Đây là một tư duy đột phá khác hoàn toàn với cách nhìn phổ biến thời điểm đó coi di động là dịch vụ xa xỉ chỉ dành cho người giàu. Từ bước chuyển tư duy này, Viettel đưa ra chiến lược “Lấy nông thôn bao vây thành thị” phủ sóng rộng khắp, mở ra một hướng phát triển khác biệt. Đó là những điều thực sự táo bạo để tạo ra bước phát triển đột phá cho Viettel.
Từ năm 2010 đến 2018 là quãng thời gian Viettel chuyển đổi từ viễn thông tiến lên kết hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn này cũng có rất nhiều ĐMST trong nghiên cứu, chế tạo từng bước xây dựng những nền tảng cho sự phát triển. Từ quá trình này Viettel đã phát triển thành công, làm chủ công nghệ 4G, 5G đến thiết bị công nghệ cao trong quân sự.
Có thể nói mỗi thời kỳ Viettel đều có những ĐMST xuất sắc độc đáo, góp phần tạo ra một Viettel như ngày hôm nay.
Năm 2021, Clarivate, công ty dẫn đầu mảng cung cấp thông tin về uy tín chất lượng nghiên cứu, ĐMST trên toàn cầu đã công bố Viettel lần thứ hai liên tiếp là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về ĐMST khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đâu là "bí quyết" quan trọng nhất đã giúp Viettel trở thành một công ty sáng tạo có tầm ảnh hưởng như vậy, thưa ông?
Thứ nhất, "Sáng tạo là sức sống" là một trong những văn hóa cốt lõi của Viettel. Từ thế hệ đầu tiên đến những bạn trẻ mới vào đều được học giá trị cốt lõi này. Sáng tạo sẽ giúp Viettel trường tồn, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Điều đó đã ngấm vào văn hóa của mỗi người Viettel.
Hai là, không phải bây giờ Viettel mới nói chuyện sáng tạo mà ngay từ khởi thủy các thế hệ lãnh đạo đi trước của chúng tôi đã luôn đề cao điều này. Sáng tạo tạo ra sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm, dịch vụ, của quản trị hiệu quả. Sáng tạo ở Viettel là sự kế thừa liên tục.
Thứ ba, tại Viettel, các cấp quản lý luôn lắng nghe, trân trọng ngay cả những SKYT nhỏ nhất. Điều này đã tạo ra động lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên của toàn Tập đoàn. Tôi cho rằng ở bất cứ tổ chức nào, khi ĐMST đã ngấm vào văn hóa, ngấm vào tiềm thức từ người lãnh đạo cho đến nhân viên thì câu chuyện ĐMST sẽ diễn ra hết sức tự nhiên.
Bên cạnh đó Viettel cũng có một cách thức hết sức đặc thù để thúc đẩy ĐMST thông qua những mục tiêu cao, áp lực lớn. Từ đó tạo ra sức ép lớn đòi hỏi những cách làm đột phá, sáng tạo. Viettel đã có nhiều cách thức nhằm thúc đẩy ĐMST qua việc đặt ra những mục tiêu thách thức. Viettel cũng áp dụng nguyên tắc “chia nhỏ việc lớn” thúc đẩy các nhóm nhỏ chủ động sáng tạo không phụ thuộc, không làm thay, sáng tạo thay.
Cuối cùng, để thúc đẩy ĐMST phải làm cho ĐMST ăn sâu vào tiềm thức ý thức của từng cán bộ nhân viên cũng như ý chí của người chỉ huy, quản lý.
Có thể thấy là ở quy mô quốc gia hay doanh nghiệp, yếu tố con người luôn có vai trò quyết định đến sự đổi mới, sáng tạo, phát triển. Thực tế hiện nay việc cạnh tranh thu hút nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ được coi là khá khốc liệt. Ông có thể cho biết Viettel đang thực hiện vấn đề này như thế nào?
Định vị thương hiệu nhà tuyển dụng của Viettel nhấn đến 3 yếu tố: Doanh nghiệp đi đầu, môi trường làm việc năng động và sáng tạo, công việc thách thức, cơ hội phát triển. Yếu tố tạo nên sự thu hút của Viettel với các nguồn nhân sự cấp cao là việc chỉ có ở Viettel mới hội tụ đủ các điều kiện nguồn lực, công nghệ, dữ liệu cho những dự án lớn, quan trọng có tầm quốc gia. Có rất nhiều lĩnh vực đặc thù mà hiện tại chỉ có riêng Viettel đang triển khai như công nghệ quân sự, hệ thống mạng lõi 5G…Với nguồn dữ liệu phong phú Viettel cũng là “mỏ vàng” trong lĩnh vực nghiên cứu dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), vượt xa các doanh nghiệp khác.
Về chế độ đãi ngộ hiện nay mặt bằng chung thu nhập của Viettel cao hơn khoảng 20% so với trung bình ngành. Với những vị trí chủ chốt ở các lĩnh vực mới, khó Viettel sẵn sàng đưa ra các cơ chế đãi ngộ trong top 25% thị trường, thậm chí đối với một số vị trí đặc thù của những dự án quan trọng có thể đặt ở mức Top 5% thậm chí Top 1%.
Tuy nhiên, Viettel muốn thu hút nhân sự trình độ cao không chỉ dựa trên yếu tố thu nhập. Tại Viettel hiện có khá nhiều chuyên gia đầu ngành đang nhận mức thu nhập thấp hơn "profile" của mình nhưng các nhân sự này vẫn chọn Viettel vì có cơ hội tham gia những dự án lớn, có điều kiện về kỹ thuật để thực hiện những công việc thách thức.
Yếu tố cuối cùng là môi trường, cách thức đánh giá, tôn trọng nhân tài. Viettel luôn đề cao sự tôn trọng giữa lãnh đạo nhân viên, luôn lắng nghe, thấu hiểu để thuyết phục, tạo ra một môi trường gắn kết, mỗi thành quả đều được ghi nhận. Vừa qua Viettel đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai công trình lĩnh vực quốc phòng do các chuyên gia Viettel thực hiện. Đây là niềm tự hào và động lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ nhân viên Viettel.
Thông thường yêu cầu ĐMST được đặt ra khi doanh nghiệp gặp việc khó, đòi hỏi nỗ lực lớn. Theo ông, với Viettel hiện nay, những việc nào có thể coi là việc thách thức, việc khó ?
Rất nhiều. Chúng tôi suy nghĩ rằng nếu Viettel không còn thấy có việc thách thức, việc khó thì có nghĩa là Viettel đặt dấu chấm hết cho mình. Không phải vì sáng tạo mà Viettel chọn làm việc khó mà chính là vì sự tồn tại của Viettel đặt ra những nhiệm vụ thách thức. Viettel nhìn nhận vấn đề việc khó, việc thách thức là chuyện 5 năm, chuyện hàng năm, hàng quý , hàng tháng, thậm chí gần đây là hàng tuần. Như vậy lúc nào cũng có những công việc thách thức phía trước cho từng cá nhân, tập thể của Viettel.
Để giải quyết được những thách thức đó đòi hỏi cách làm khác biệt, sáng tạo chứ không phải vì sáng tạo mà Viettel đặt ra việc khó. Việc khó, việc thách thức đòi hỏi ĐMST như là cơm ăn, nước uống với người Viettel. Trong lĩnh vực nào hiện nay của Viettel cũng có nhiều nhiệm vụ rất thách thức. Ví dụ như việc phát triển 5G hay mục tiêu tăng trưởng kinh doanh viễn thông ở thị trường nước ngoài… Đó là những thách thức, khó khăn đặt ra đòi hỏi bắt buộc phải có ĐMST mới làm được !
Xin cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)