|
. |
Khi ứng dụng tin nhắn lấn sân
Những ngày vừa qua, người sử dụng mạng Zalo bỗng nhận được nhiều tin nhắn của ứng dụng này mời chào “vay tại nhà, thoải mái chi tiêu”, “giảm 1-2% lãi suất đăng ký vay mới”... Trang chủ của Zalo giới thiệu Zalo Bank là “trung gian kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính”.
Khi đăng ký qua Zalo Bank, hồ sơ điện tử của khách hàng sẽ được chuyển trực tiếp đến các đối tác tài chính của Zalo Bank để vay dưới dạng vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, giải ngân nhanh từ 15-30 phút, lãi suất ưu đãi... Thông qua Zalo Bank, người dùng có thể được vay tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm. Lãi suất vay tiền chỉ từ 1,5%/tháng, tương đương khoảng 18%/năm, giải ngân trong vòng 24 giờ... Phương thức trả góp linh hoạt, số tiền trả nợ chia định kỳ bao gồm nợ gốc và lãi suất theo quy định từ các ngân hàng đối tác của Zalo Bank…
Theo quảng cáo của Zalo Bank, hiện có 4 tổ chức cung cấp khoản vay đang hợp tác với Zalo Bank trên ứng dụng này gồm Ngân hàng Shinhan, Easy Credit, Shinhan Finance, FE Credit.
Vấn đề nằm ở chỗ, mô hình này gắn với “Bank” (ngân hàng). Nhiều khách hàng nhầm tưởng Zalo Bank là “ngân hàng Zalo”, ngân hàng số Zalo. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không hề cấp phép hoạt động ngân hàng cho Zalo. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cũng khẳng định, Bộ Công thương không quản lý và cấp phép cho Zalo Bank.
Chúng tôi đã liên hệ với VNG và Zalo, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ cơ quan chủ quản của Zalo Bank. Tuy nhiên, hoạt động của Zalo Bank đang đặt ra nhiều vấn đề nóng hổi.
Vấn đề đặt ra là Zalo có được phép đặt tên Zalo Bank? Mô hình hoạt động của Zalo Bank là mô hình gì? Luật nào điều chỉnh, quản lý hoạt động của Zalo Bank? Trong trường hợp xảy ra rủi ro, tranh chấp, thì Zalo Bank có trách nhiệm thế nào?
Cần sớm Sandbox cho các mô hình kinh doanh mới
Liên quan đến vấn đề đặt tên Zalo Bank gây nhầm lẫn cho khách hàng, mới đây, TP.HCM, Đà Nẵng đã tiến hành rà soát các công ty sử dụng tên “bank”, “ngân hàng”, “công ty tài chính” như Công ty TNHH Tài chính SHINBANK, Công ty TNHH Tài chính Shin Bank Việt Nam... Công ty này đặt tên hoặc sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để chấn chỉnh, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm.
“Theo Điều 5, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017, thì tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh... nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng. Chiểu theo điều này, Zalo sử dụng tên Zalo Bank là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng”, luật sư Ngụy Thành Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bình luận.
Đánh giá về mô hình hoạt động của Zalo Bank, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin cho rằng, mô hình cung cấp dịch vụ hiện tại của Zalo Bank là trung gian, giới thiệu khách hàng là người có nhu cầu vay hoặc mở thẻ tín dụng tới cho các ngân hàng/tổ chức tài chính. Zalo Bank không tham gia vào việc xác minh hồ sơ, đánh giá khách hàng, chấm điểm tín dụng, hay phê duyệt thẩm định… Ngân hàng/tổ chức tài chính thẩm định hồ sơ khách hàng, duyệt hạn mức và cho vay.
“Hoạt động này của Zalo Bank không hẳn giống P2P, mà mới chỉ dừng ở việc giới thiệu thông tin người cần vay cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cũng giống P2P, quản lý hoạt động của mô hình mới xuất hiện này vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, cần sớm có cơ chế thử nghiệm mô hình mới này”, ông Vĩnh đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc Nexttech Group cũng cho rằng, Zalo Bank đang thực hiện mô hình môi giới người có nhu cầu vay với ngân hàng thông qua nền tảng công nghệ của mình. Nếu như người vay tiến hành vay trực tiếp từ Zalo Bank và Zalo Bank cho vay thì sẽ vi phạm pháp luật. Nhưng Zalo Bank chỉ là trung gian. Tuy nhiên, đây lại là mô hình mới mà ở đó chưa rõ cơ quan nhà nước nào sẽ quản lý hoạt động này và hoạt động này (có liên quan đến cung cấp dịch vụ trực tuyến cho ngành tài chính - ngân hàng, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì phải có giấy phép hay không.
“Thực tiễn cho thấy, thị trường đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh như P2P, hay mới đây là Zalo Bank. Chính vì vậy, cần có cơ chế thử nghiệm Sandbox để doanh nghiệp thử nghiệm hoạt động theo mô hình mới, từ đó sớm ban hành chính sách”, ông Phú kiến nghị.
Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính đã khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia đối mặt với những khó khăn và thách thức trong quản lý, giám sát do những lo ngại hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin... Chính vì vậy, việc sớm có quy định pháp luật để quản lý các loại hình này là yêu cầu bức thiết.
Hiện cơ chế thử nghiệm Sandbox Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động P2P đang trong quá trình hoàn thiện. Hy vọng, cơ chế này sớm cho phép các doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm để tạo cơ sở xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh mới.
(Theo Đầu Tư)
Xuất hiện fanpage "Ngân hàng hỗ trợ người nghèo" nhận đổi 1 triệu lấy 10 triệu, chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook: Cẩn thận tiền mất tật mang!
Fanpage có tên "Ngân hàng hỗ trợ người nghèo Vietcombank" với logo của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank liên tục chạy quảng cáo nhận đổi "tiền lỗi serri", tỉ lệ 1 ăn 10 khiến nhiều người xôn xao.
">