1. Motorola DynaTAC (1983)
Martin Cooper - "cha đẻ" của chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới - Motorola DynaTAC 8000X.
Motorola DynaTAC là chiếc điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới, được ra mắt vào năm 1983 với giá 3.995 USD, tương đương hơn 10.000 USD vào thời điểm hiện tại.
Máy có chiều dài lên đến 25,4cm và nặng đến 0.8kg. Mặc dù được trang bị thỏi pin cực lớn, nhưng chiếc điện thoại chỉ có thể đàm thoại trong 60 phút.
Thế nhưng nếu không có DynaTAC 8000X và "cha đẻ" của nó là cụ Martin Cooper, thì không có ai dám chắc về số phận của những chiếc điện thoại di động ngày nay. Cần nhớ rằng trước đó, ý tưởng về những chiếc "điện thoại di động" là hoàn toàn khác biệt.
Theo thống kê, đã có khoảng 8 triệu chiếc DynaTAC được bán ra trên thị trường.
2. Motorola MicroTAC 9800X (1989)
Motorola MicroTAC là chiếc điện thoại nhỏ nhất và nhẹ nhất trên thị trường vào thời điểm bấy giờ. Đây cũng là chiếc điện thoại đầu tiên có kiểu thiết kế "nắp gập", tạo cảm hứng cho hàng loạt sản phẩm về sau này.
MicroTAC cũng có kích thước nhỏ gọn hơn nhiều so với điện thoại dạng thanh hoặc "cục gạch", có thể bỏ vừa vào túi áo, dẫu nó vẫn lớn hơn khá nhiều và có phần cục mịch hơn so với điện thoại ngày nay.
MicroTAC 9800X trang bị nhiều công nghệ hiện đại với màn hình LED 8 chữ cái, bàn phím T9 gồm 12 phím cơ bản, bên dưới là các phím chức năng và tính năng danh bạ. Giá bán của thiết bị vào khoảng 3.000 USD.
3. Nokia 1011 (1992)
Năm 1992, Nokia phát hành mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới mang tên 1011. Chiếc điện thoại dùng mạng GSM được sản xuất hàng loạt, tạo ra cuộc cách mạng thay thế công nghệ AMPS đã lỗi thời.
Do đó, có thể nói rằng chính Nokia 1011 là thiết bị đầu tiên cho phép con người nghe gọi mọi lúc mọi nơi, đúng theo ý nghĩa của câu slogan "Connecting people" (kết nối mọi người) của Nokia.
Công nghệ thời kỳ đó chỉ cho phép Nokia 1011 sở hữu màn hình trắng đen đơn giản, hiển thị tối đa 8 ký tự trên hai dòng văn bản, và 2 chức năng duy nhất là nhắn tin, gọi điện.
4. IBM Simon (1994)
Thiết bị giao tiếp cá nhân IBM Simon được coi là điện thoại thông minh đầu tiên từ trước tới nay. Nó sở hữu rất nhiều tính năng ưu việt so với các dòng điện thoại chỉ phục vụ nghe/gọi trước đó.
Những đặc điểm của sản phẩm bao gồm màn hình cảm ứng, các ứng dụng được cài đặt sẵn như sổ địa chỉ, máy tính, lịch, sổ tay điện tử, đồng hồ,... và thậm chí được trang bị bút cảm ứng stylus vô cùng tiện lợi.
Tuy nhiên, kích thước lớn và trọng lượng lên tới xấp xỉ 0,5kg của IBM Simon không thể cạnh tranh với các "đàn em" của mình ra đời chỉ trong ít năm sau đó, với nhiều cải tiến vượt trội.
5. RIM (BlackBerry) 850 (1999)
Năm 1999, BlackBerry bước vào lĩnh vực điện thoại di động với sản phẩm đầu tay, chính là chiếc BlackBerry 850.
Sản phẩm có bàn phím QWERTY - thứ sau này trở thành thương hiệu của BlackBerry, cùng khả năng gửi email, sử dụng Internet.
Tuy nhiên với một số người, đây được coi là một máy nhắn tin hai chiều hơn là một chiếc điện thoại di động vì nó không cho phép bạn thực hiện chức năng gọi điện.
Với thiết kế độc đáo cùng ứng dụng nhắn tin và email vô cùng tiện lợi, BlackBerry dần chiếm được thị phần trên thị trường điện thoại toàn cầu, và chỉ đứng sau những người khổng lồ như Motorola hay Nokia.
6. Nokia 1100 (2003)
Thập niên 2000 là giai đoạn vàng son của Nokia, với rất nhiều sản phẩm thành công, qua đó giúp hãng tạo dựng vị thế số 1 trên thị trường di động. Một trong những thiết bị bán chạy nhất của Nokia phải kể tới Nokia 1100, ra mắt năm 2003.
Theo thống kê, chiếc điện thoại này bán được 250 triệu bản - cao nhất trong lịch sử, dù chỉ sở hữu các tính năng vô cùng cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, báo thức, và chơi mini game.
Càng ấn tượng hơn khi tại thời điểm ấy, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những chiếc điện thoại có camera sau, nhiều ứng dụng phức tạp, và truy cập được kho dữ liệu trên Internet,...
Đây cũng là chiếc điện thoại "quốc dân", được rất nhiều người Việt sở hữu và yêu thích trong giai đoạn smartphone bùng nổ đầu thập niên 2000.
7. Motorola Razr V3 (2004)
Nếu nói về sản phẩm tạo ra sự đột phá về thiết kế, từ đó định hình khái niệm điện thoại là một phụ kiện thời trang, thì không thể không nói tới Razr V3.
Chiếc điện thoại có thiết kế vỏ sò bán chạy nhất mọi thời đại này của Motorola rất đáng chú ý với thiết kế mỏng, nhẹ, kết nối 3G, camera độ phân giải VGA,...
Ngay cả các phím bấm trên RAZR V3 cũng được làm rất mỏng và gần như không nổi lên khỏi bề mặt, giúp tạo một cảm giác vừa sang trọng trên thiết bị, mà cũng cực kỳ "hi-tech".
8. Sony Ericsson Walkman W800 (2005)
Nếu như Razr V3 được nhắc đến như một siêu phẩm thời trang, thì Sony Ericsson Walkman W800 lại mệnh danh "nữ hoàng nhạc số".
Sản phẩm phá cách với các nút riêng cho chức năng phát nhạc nhằm mang lại cho người dùng trải nghiệm tiện lợi, thoải mái nhất, đồng thời mặt sau lại mang dáng dấp của một máy ảnh sành điệu.
Cũng chính những chiếc Sony Ericsson đã tạo ra trào lưu nghe nhạc trên điện thoại di động, và đẩy các máy mp3, máy nghe đĩa CD... trở thành dĩ vãng.
9. iPhone (2007)
Chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt vào ngày 29/6/2007, theo đa số các chuyên gia công nghệ, chính là một trong những sản phẩm di động mang tính cách mạng nhất từng được tạo ra, và tác động của nó đối với cuộc sống hằng ngày là không thể chối cãi.
Trong đó, đáng chú ý nhất là hệ thống ứng dụng, và màn hình cảm ứng đa điểm của iPhone đã khiến các nhà sản xuất sau này hoặc là đi theo trào lưu, hoặc là lụi bại vì không thể bắt kịp.
Sau này, các thế hệ iPhone cũng tạo ra nhiều xu thế mới, đóng vai trò định hình làng di động như cảm biến vân tay Touch ID, màn hình Retina, chip 64 bit, hay trợ lý ảo Siri...
Nhưng nếu không có chiếc iPhone đầu tiên do Steve Jobs giới thiệu, thì có lẽ giờ đây không biết chúng ta sẽ cầm trên tay thứ gì.
10. Samsung Galaxy S (2010)
Năm 2010, Samsung phát hành Galaxy S, với vai trò là chiếc điện thoại đầu tiên của một trong những dòng điện thoại thành công nhất từ trước đến nay.
Smartphone chạy hệ điều hành Android này có bộ nhớ trong 16 GB, bộ xử lý ARM "Hummingbird" 1 GHz, màn hình cảm ứng Super AMOLED, camera chính 5 megapixel và camera trước 0,3 megapixel.
Phần cứng mạnh mẽ, thiết kế luôn được đổi mới, màn hình ngày một lớn hơn... là những ưu điểm của dòng Galaxy S mà kể từ thủa sơ khai, đã tạo ra cuộc cạnh tranh lịch sử trong làng công nghệ toàn cầu giữa Samsung và Apple.
(Theo Dân Trí)
Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời Không bắt kịp xu hướng dẫn tới mất thị phần, những thương hiệu điện thoại sau đây đã phải bán mình, tái cấu trúc và một số đã biến mất hoàn toàn khỏi thị trường.
">