Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000) sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em ở xã Tiến Hóa,ìnhngưNguyễnHuyHoàngKhôngsợlắmchuyệngiảinghệpkl Tuyên Hóa (Quảng Bình). Cả gia đình của Hoàng vốn sống bằng nghề chài lưới trên sông Gianh và nuôi bè cá lồng. Là con út, lại thích bơi lội, cậu thường được bố cho theo sau trong những lần vớt rong về làm thức ăn cho đàn cá trắm.
Với những đứa trẻ sinh ra ở vùng sông nước, việc bơi lội giống như một kỹ năng sinh tồn. Thế nhưng, ngay từ khi còn rất sớm, Hoàng đã bộc lộ khả năng bơi lội giỏi hơn lũ trẻ trong thôn. Bà con thường gọi cậu là chú “rái cá” vì thân hình của Hoàng đen trũi, lại thích ngâm mình dưới nước.
"Kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng
Hành trình đến với “đường đua xanh” của Hoàng bắt đầu từ hồi lớp 5, khi đang trong kỳ nghỉ hè, cậu hay tin các cô chú trong tỉnh về địa phương tuyển chọn vận động viên bơi lội. Hoàng xin bố mẹ cho đăng ký tham gia và vượt qua được vòng tuyển chọn. Nhưng hồi ấy, ở tuổi 11, cậu bé chỉ nghĩ “đăng ký bơi cho thỏa” chứ chưa thể hình dung tới con đường trở thành vận động viên.
Được tuyển chọn đồng nghĩa với việc, Hoàng phải một mình khăn gói xuống TP Đồng Hới, Quảng Bình để được đào tạo. Tuổi con nhỏ, lại sống xa nhà, không ít lần cậu bé bật khóc vì nhớ bố mẹ. Bên cạnh đó, do thể hình thấp bé, sải tay hạn chế, việc tập luyện với Hoàng càng trở nên khắc nghiệt hơn.
“Nếu như các bạn phải rất nỗ lực, thì em cần tập luyện gấp đôi, gấp ba như thế. Có đôi lúc, việc tập luyện vô cùng mệt mỏi khiến em suy sụp”, Hoàng nhớ lại.
Huấn luyện được 2 năm tại Trung tâm Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao của tỉnh Quảng Bình, nhận thấy năng khiếu và tố chất vận động viên bơi lội trong Hoàng, các thầy tại trung tâm đã xin ý kiến của tỉnh, quyết định đưa Hoàng vào huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM.
Trong thời gian này, Hoàng tham dự nhiều giải bơi lội của câu lạc bộ, nhóm vận động viên trẻ toàn quốc và đều giành giải cao. Một năm sau, thấy tài năng của Hoàng, ban huấn luyện và các chuyên gia đã triệu tập cậu về tập luyện cùng các vận động viên khác tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia ở Cần Thơ.
“Suốt quãng thời gian đó, em vừa tập luyện, vừa cố gắng theo học tại Trường GDNN – GDTX quận Bình Thủy. Vì phải luyện tập vào ban ngày, nên thời gian đi học thường là vào buổi tối. Em sẽ học khoảng từ 5h30 – 9 giờ, sau đó về nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục guồng quay”, Hoàng kể.
Những ngày được huấn luyện xa nhà, vì bố mẹ không có điều kiện vào thăm nên mỗi năm, Hoàng chỉ về thăm nhà 1 - 2 lần.
Nhờ chịu khó rèn luyện, đến năm 2015, Hoàng bắt đầu có những thành quả đầu tiên trong sự nghiệp bơi lội của mình. Sau khi xuất sắc giành 5 Huy chương Vàng ở các nội dung tại Giải vô địch các nhóm tuổi trẻ môn bơi lội Đông Nam Á, Nguyễn Huy Hoàng bắt đầu nổi lên như một hiện tượng của bơi lội của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Hoàng cũng phải bước vào quá trình luyện tập gian nan hơn do cần chuẩn bị kỹ càng để tham gia các giải đấu.
“Ngày nào, em cũng tập luyện 4 tiếng buổi sáng và 4 tiếng buổi chiều với tổng độ dài khoảng hơn 20km, tức 400 lượt trên bể 50m. Dù kiệt sức nhưng em vẫn cố gắng để hoàn thành các bài tập ở cường độ cao. Nhưng cũng chính điều đó đã giúp em tiến triển tốt, rèn được khả năng chịu đựng áp lực lẫn khát khao vượt qua chính mình”, Hoàng nói.
Đến năm 2016, Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục giành Huy chương Vàng ở cự ly 1.500m, đồng thời phá kỷ lục tại Giải bơi vô địch quốc gia. Năm 2017, lần đầu tiên tham dự SEA Games 29, Hoàng thể hiện ưu thế tuyệt đối trước các vận động viên trong khu vực trên đường đua 1.500 và xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng.
Một năm sau đó, tại ASIAD 18 năm 2018, Hoàng giành Huy chương Bạc nội dung 1.500m tự do, là tấm Huy chương Bạc đầu tiên của bơi lội Việt Nam tại đấu trường châu lục. Ngoài ra, trong năm 2018, Hoàng còn giành Huy chương Vàng 800 m tự do nam tại Thế vận hội trẻ 2018 ở Argentina.
Đến đấu trường SEA Games 30 năm 2019, Hoàng tiếp tục giành cú đúp Huy chương Vàng ở cự ly 400m tự do và 1.500m tự do. Năm 2021, khi tham dự Olympic Tokyo, Hoàng thi đấu hai nội dung 800m và 1.500m bơi tự do nam, lần lượt đứng thứ 20/34 và 12/29.
Hoàng thẳng thắn chia sẻ: “Khi thi đấu ở đấu trường Olympic, nhìn các vận động viên nước bạn to cao quá khiến em cũng rất run. Tuy nhiên, trong nỗi sợ đó, em tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa để có thể chiến thắng được chính bản thân mình. Đấu trường Olympic cũng đã cho em rất nhiều bài học quý giá, từ phong cách thi, những kỹ thuật đỉnh cao đến từ các vận động viên nổi tiếng nước khác”.
Hoàng cũng cho rằng, trong các cuộc thi, “đối thủ càng mạnh, em càng thích” vì khi đó mới tạo sự đua tranh quyết liệt để xem khả năng của mình đến đâu.
Mới đây, Nguyễn Huy Hoàng được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích xuất sắc và được các trung tâm thể dục thể thao lớn trong nước mời gọi về đầu quân, nhưng Hoàng vẫn quyết định thi đấu cho Quảng Bình bởi mong muốn cống hiến cho sự nghiệp thể thao của tỉnh nhà.
“Em luôn nhớ tới việc mình sinh ra từ đâu, nhờ có ai mà mình đạt được những thành tích như hôm nay. Do đó, từ lúc em mới bước chân vào sự nghiệp bơi lội đến nay là 11 năm, em vẫn muốn được tập luyện và thi đấu cho quê hương của mình”, Hoàng nói.
10X cũng khẳng định, bản thân đã đủ tự tin để xác định hướng đi của mình trong tương lai, do đó “không cảm thấy sợ lắm về chuyện giải nghệ”.
“Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đến khi hết khả năng. Song song với đó, có thể trong thời gian tới, em sẽ tiếp tục học lên tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao và “chuyển nghề” từ vận động viên sang huấn luyện viên”, Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.
Thúy Nga
3 đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giao lưu với bạn đọc VietNamNet
Sáng nay, Báo VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với 3 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.