Đó là vào khoảng những năm 1940, cụ bị sốt, đại tiện lỏng liên tục, nhà đã cắt mấy thang thuốc nhưng không đỡ, bệnh ngày càng nặng. Rồi cụ được đưa vào nhà thương Vọng, nằm ở khu vực truyền nhiễm. Người nhà về lấy thêm đồ, lúc quay lại thì cụ đã mất.Câu chuyện phần nào cho thấy hạn chế của y tế Việt Nam ngày trước. Tiêu chảy từng là nỗi kinh hoàng với sức khỏe của người dân.
Tuy khoa học phương Tây đã phân lập ra các vi khuẩn gây dịch tiêu chảy từ cuối thế kỷ 19, nhưng Việt Nam trước đây vẫn phân biệt các loại tiêu chảy dựa vào triệu chứng: đại tiện như tháo nước, gọi là tả; nếu sốt nóng sốt rét kèm đau bụng, đi lỏng thì gọi là thương hàn; nếu đau quặn bụng, phân lẫn máu gọi là lỵ.
Do điều kiện vệ sinh kém, người dân lúc bấy giờ chủ yếu dùng nước ao hồ, nên dễ dàng lây bệnh. Các dịch tả, lỵ, thương hàn xảy ra quanh năm, gây chết nhiều người, là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ trung bình của Việt Nam thời đó thấp.
Ngày nay, khoa học đã xác định tên các tác nhân gây tiêu chảy, gồm nhiều loại vi khuẩn và virus. Về vi khuẩn, nguy hiểm nhất có vi khuẩn tả (Vibrio cholera), thương hàn (Salmonella typhi), trực khuẩn lỵ (Shigella)...
WHO thống kê hàng năm toàn thế giới có 16 triệu người nhiễm Salmonella và gần 500.000 người tử vong. Dịch bệnh do Salmonella chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh còn yếu kém. Ở các nước phát triển, nhiễm khuẩn thực phẩm hiếm khi xảy ra, nhưng không phải không có.
Tháng 1/2024, CDC Mỹ thông báo thu hồi nhãn hiệu thịt charcuterie do nghi nhiễm Salmonella. Đến nay, cơ quan này xác định tổng số ca nhiễm khuẩn Salmonella là 47, tại 22 bang.
Ở Việt Nam, trong ba loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiêu hóa hàng đầu, khuẩn tả và lỵ ít thành dịch, nhưng thương hàn thì liên tục gây ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới hàng trăm người mỗi vụ. Tại sao vậy?
Trong ba loại trên, vi khuẩn tả có sức sống yếu hơn, nên khó gây thành dịch lớn trong điều kiện hiện nay. Vi khuẩn lỵ thì gây bệnh chủ yếu ở đại tràng, gây đau quặn nhưng ít tiêu chảy ồ ạt nên người bệnh có diễn biến nhẹ hơn, hiếm khi lan dịch rộng. Các vi khuẩn đường ruột khác như E.coli cũng gây bệnh nhưng triệu chứng nhẹ.
Còn Salmonella có sức chịu đựng ngoại cảnh tốt, có thể tồn tại trong nước 2-3 tuần, trong phân hoặc nước đá 2-3 tháng, vì thế dễ dàng lây truyền. Vi khuẩn sinh sống và gây bệnh trong hệ tiêu hóa của người cũng như ở nhiều loại gia súc và gia cầm. Vì thế nguồn bệnh có nhiều, khó khống chế hết. Ở người đang mắc bệnh, một lượng lớn vi khuẩn thải ra ngoài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Người mắc bệnh nhẹ hoặc đã hết triệu chứng vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường, gọi là người lành mang trùng. Điều này lý giải tại sao dịch bệnh Salmonella cứ diễn ra âm ỉ không dứt, lâu lâu lại bùng lên thành dịch.
Dịch bệnh do Salmonella gây ra thường vào mùa hè, do người dân cần uống nhiều nước, có khi là nước chưa khử trùng, nước đá, ăn hoa quả tươi... là những nơi vi khuẩn có thể tồn tại lâu dài. Mùa hè cũng là có nhiều hoạt động du dịch, tập trung đông người, nên việc chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, dễ nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn Salmonella sinh sôi gây bệnh trong hệ thống ruột non, sản sinh ra độc tố, làm niêm mạc ruột xung huyết và tăng tiết dịch gây tiêu chảy ồ ạt. Độc tố của vi khuẩn gây nhiễm độc nhiều cơ quan khác. Số lượng vi khuẩn cao có thể gây nhiễm trùng máu. Người bệnh có thể tử vong vì mất nước hoặc do nhiễm trùng nhiễm độc các cơ quan khác.
Vì thế khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiêu hóa như sốt cao, đau bụng, nôn, tiêu chảy... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ được truyền dịch để bù lại lượng nước đã mất, được dùng kháng sinh phù hợp để diệt vi khuẩn gây bệnh và các biện pháp khác nâng cao sức đề kháng.
Để phòng bệnh do Salmonella gây ra, đối với mỗi cá nhân, nên triệt để thực hiện ăn chín uống sôi. Chỉ với khẩu hiệu giản dị "ăn chín uống sôi" ngành y tế Việt Nam những năm 1960 dù còn thiếu thốn phương tiện vật chất, đã dập tắt được dịch tiêu chảy ở miền Bắc. Tuy nhiên gần đây nguyên tắc vệ sinh đơn giản này bị coi nhẹ, sao nhãng, gây nên nhiều vụ nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Với các cơ sở chế biến thực phẩm, dứt khoát phải tuân thủ nghiêm ngặt tất cả quy định về vệ sinh an toàn. Trước hết phải đảm bảo nguồn nước sạch, không có vi khuẩn gây bệnh. Tiếp theo dây chuyền chế biến phải an toàn, tách riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, có phương tiện bảo quản lạnh đầy đủ. Môi trường chế biến nhà xưởng phải sạch sẽ, xa các nguồn ô nhiễm, không có ruồi, chuột, gián.
Người chế biến phải được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện khả năng người lành mang trùng. Khi chế biến phải có đồ bảo hộ, bao tay đầy đủ. Nên nhớ nguồn lây nhiễm vi khuẩn cho thực phẩm đến từ ba hướng: nguồn nước, dụng cụ, và tay người chế biến.
Để thực hiện tốt những biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm còn đòi hỏi vai trò rất quan trọng của nhà chức trách trong việc kiểm tra giám sát thường xuyên và phạt nặng khi có vi phạm.
Những vụ nhiễm khuẩn thực phẩm xảy ra gần đây nhắc nhở mỗi người không được chủ quan, không thể để bóng ma dịch bệnh quay trở lại.
Quan Thế Dân
" alt="Bệnh tiêu chảy mùa hè"/>