Cho trẻ ăn quá mặn không chỉ gây gánh nặng cho thận mà còn cản trở quá trình hấp thu canxi của cơ thể, gây ra hiện tượng còi xương ở trẻ nhỏ.Ăn mặn hạn chế phát triển chiều cao của trẻ
“Cuộc chiến” vật lộn với biếng ăn của trẻ khiến phụ huynh phải đau đầu. Nhiều bà mẹ không biết rằng chế độ ăn sai như: ăn quá mặn, nhàm chán trong cách chế biến món ăn, lặp đi lặp lại nhiều lần 1 món ăn…khiến cho trẻ dễ bị biếng ăn dẫn tới còi xương và thiếu chất.
|
Ăn quá mặn khiến trẻ mắc nhiều bệnh tật (ảnh minh họa) |
Chị Nguyễn Thị Hoa Mai, Cầu Giấy chia sẻ, con chị rất biếng ăn. Hàng ngày, chị và chồng dùng đủ mọi phương pháp như thay đổi cách chế biến, màu sắc món ăn hay bế con đi ăn rong...vẫn không thành công.
Quá sốt ruột với tình trạng chậm lớn của con, chị đã đưa con đi khám dinh dưỡng để tìm nguyên nhân chính xác. Khi bác sĩ hỏi về cách chế biến bữa ăn cho bé mới phát hiện chị Mai đang cho quá nhiều muối vào đồ ăn hàng ngày. Thậm chí, khi nấu cháo cho bé, ngoài lượng muối và hạt nêm, chị còn dùng thêm nước mắm.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh, Nguyễn Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho hay: “Khi nêm gia vị nấu ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, người lớn cảm thấy thấy vừa miệng thì trẻ nhỏ sẽ cảm thấy mặn. Cho trẻ ăn mặn sớm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra biếng ăn và dễ mệt mỏi”.
Theo chuyên gia Xuân Ninh, cho trẻ ăn mặn sớm còn khiến cho trẻ khó tăng chiều cao. Nguyên nhân do muối đi vào nhiều nên cơ thể sẽ phải đào thải qua đường nước tiểu, canxi cũng bị đào thải theo làm giảm lượng canxi dự trữ trong cơ thể. Điều này dễ dẫn tới việc trẻ bị thiếu canxi ảnh hưởng tới việc phát triển chiều cao. Ngoài ra, lượng canxi trong nước tiểu nhiều còn tăng nguy cơ dẫn đến bệnh sỏi thận .
“Trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm với mùi và vị, nêm thêm một chút gia vị để cho trẻ dễ ăn sẽ tăng gánh nặng cho thận. Trẻ nhỏ ăn mặn sớm còn tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, ung thư, suy thận”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh nói.
Trẻ dưới 1 tuổi không nhất thiết phải ăn muối
|
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh |
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh cho biết: “Rất ít các bà mẹ biết được trong rau, củ, quả cũng có một lượng muối tự nhiên nhất định, không nhất thiết cần phải nêm thêm gia vị. Trong các sản phẩm như: bột gạo, sữa, thịt, cá… đã chứa hàm lượng muối nhất định. Trẻ em dưới 1 tuổi chỉ cần tiêu thụ khoảng 200mg muối/ngày, vì vậy chỉ cần tận dụng muối từ thực phẩm. Nếu nêm thêm gia vị dễ gây thừa muối cho trẻ”.
Cũng theo lời khuyên của PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh, trẻ trên 1 tuổi cần cần nêm thêm một chút nước mắm, lượng khoảng 1-2 giọt/bát cháo, cơm. Với trẻ biếng ăn, mẹ cần phải xem xét lại chế độ ăn và thức ăn của bé.
"Có rất nhiều bà mẹ khi đưa con đi khám dinh dưỡng mới biết chỉ cho bé ăn một loại thức ăn trong nhiều ngày. Điều này khiến cho bé biếng ăn, còi xương suy dinh dưỡng là điều dễ hiểu", bác sĩ Ninh nhấn mạnh.
Cách cho trẻ ăn muối theo từng độ tuổi
Khuyến cáo của Ủy ban Tư vấn Khoa học về dinh dưỡng Anh cho hay, liều lượng muối thích hợp cho trẻ theo từng độ tuổi như sau:
Trẻ nhỏ từ 0-6 tháng mỗi ngày ăn: dưới 1g/ngày.
Trẻ nhỏ từ 6-12 tháng mỗi ngày ăn: 1g/ngày.
Trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi mỗi ngày ăn : 2g/ngày.
Trẻ nhỏ từ 4-6 tuổi mỗi ngày ăn: 3g/ngày.
Trẻ nhỏ từ 7-10 tuổi mỗi ngày ăn: 5g/ngày.
Trẻ nhỏ từ 11 tuổi trở lên mỗi ngày ăn: 6g/ngày.
Theo bản đồ chiều cao trên trang Averageheight.co do Telegraph công bố, Việt Nam nằm trong Top 10 nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 (tính từ dưới lên) sau Indonesia, Bolivia và Philippines với chiều cao trung bình của nam giới là 1,621m. Theo một số chuyên gia dinh dưỡng nguyên nhân chiều cao trung bình của Việt Nam thấp là do chế độ ăn uống thiếu khoa học và ít vận động. |
(Theo Em đẹp)
">