|
Sinh viên tham gia Triển lãm Giáo dục Trung Quốc 2015 diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 10/ 2015 |
Tính đến cuối năm 2014, Trung Quốc có tổng số 305 vườn ươm doanh nghiệp “start-up” được thiết kế đặc biệt dành cho các sinh viên đi du học về. Cái được gọi là “công viên dành cho những người đi tiên phong” này là ngôi nhà của 22.000 “start-up”, tuyển dụng 63.000 du học sinh từ nước ngoài trở về - báo cáo cho hay.
Từ năm 2008 tới năm 2015, “Chương trình tuyển dụng chuyên gia toàn cầu” của Trung Quốc đã giới thiệu được 5.208 tài năng từ nước ngoài trở về. Kế hoạch này cũng rót vốn cho 307 người trở về khởi nghiệp ở các doanh nghiệp công nghệ cao, với số vốn dao động từ 29.000 USD tới 74.800 USD mỗi doanh nghiệp và tổng số 70 triệu nhân dân tệ từ năm 2009 tới năm 2014.
Tính riêng năm 2014, đã có 29.000 dự án liên quan được cấp vốn – gấp 4 lần so với năm trước đó.
Số du học sinh trở về quê hương làm việc đạt con số kỷ lục trong những năm gần đây – ông Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa chia sẻ với tờ People.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục nước này, có 523.700 sinh viên Trung Quốc học tập ở nước ngoài trong năm 2015 – tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi đó, có 409.100 sinh viên trở về trong năm ngoái – tăng 12% so với năm 2014.
Bộ này cũng cho biết, một xu hướng đáng chú ý khác là tỷ lệ sinh viên đi du học so với sinh viên trở về đã thu hẹp từ 3,15 vào năm 2006 xuống còn 1,28 vào năm 2015.
Những doanh nghiệp “start-up” được gây dựng bởi người trở về thường tập trung vào các ngành: kỹ thuật dược phẩm và sinh học mới, công nghệ thông tin thế hệ mới, thương mại, bán buôn, bán lẻ, sản xuất thiết bị công nghệ cao, ngành công nghiệp sáng tạo văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn năng lượng.
Theo một báo cáo được đưa ra trong một hội thảo quốc gia về những đãi ngộ dành cho du học sinh trở về vào năm 2011, khoảng 80% doanh nghiệp về công nghệ cao nằm trong danh sách Nasdaq được gây dựng bởi những người trở về.
Hơn nữa, khoảng 72% nhà lãnh đạo có dự án nghiên cứu trọng điểm quốc gia và hơn một nửa học giả ở Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Kỹ thuật Trung Quốc – 2 viện nghiên cứu công nghệ và khoa học hàng đầu của nước này – từng học tập ở nước ngoài.
- Nguyễn Thảo(Theo China Daily)
">