|
Ảnh: Báo Nghệ An |
Là một Phật tử, mẹ tôi thường xúc động khi được các sư thầy ở chùa gắn lên ngực áo một bông hồng nhạt. Mẹ bảo do ông ngoại đã mất nên mẹ chỉ có thể cài lên áo màu hoa này, thật ngưỡng mộ những người còn đủ cha mẹ. Những lời nhỏ nhẹ nhưng khiến tôi thấm thía và ngậm ngùi. Bản thân chợt nhận ra không chỉ Vu Lan mà bất kỳ thời điểm nào trong đời, khi chúng ta vẫn còn cha mẹ bên cạnh, đều là những thời khắc hạnh phúc.
Người chở che cho ta suốt cuộc đời
Thời còn niên thiếu, tôi có đọc được câu nói rất hay: “Cha mẹ là người có thể thay thế tất cả người khác, nhưng không người nào có thể thay thế đươc cha mẹ”. Trải qua biết bao năm tháng, đến tận khi trưởng thành, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của câu nói này.
Mùa Vu Lan năm trước, khi ngồi nghe các sư thầy giảng về công ơn của đấng sinh thành, tôi chợt nhớ đến sự chở che, bảo bọc mà bản thân nhận được trong suốt ba mươi năm qua từ cha mẹ mình. Tôi nhớ đến gương mặt đẫm mồ hôi, kiên nhẫn của ba khi đứng dưới nắng, chờ đón tôi tan trường suốt gần 12 năm phổ thông. Tôi nhớ hình ảnh mẹ vất vả, không quản ngại khó nhọc chăm chút cho bản thân từng miếng ăn giấc ngủ.
Bất kỳ thời điểm nào khó khăn trong đời, ba mẹ là người duy nhất bên cạnh động viên và bảo bọc mỗi người chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng công ơn sinh thành và dưỡng dục ấy không chỉ một vài lời có thể giải bày cho hết. Đó là kết quả của tình yêu thương và lòng bao dung mà ngoài cha mẹ, chẳng có bất kỳ ai có thể thay thế được.
Người truyền cảm hứng giản dị mà thấm thía
Vài năm trước, sau khoảng thời gian giảng dạy tại trường, tôi phải đối mặt với một tình huống rất nan giải trong nghề. Tâm trạng kiệt quệ, tinh thần sa sút khiến bản thân rơi dần vào trạng thái trầm cảm. Tôi rất muốn nghỉ việc, nhiều lần muốn buông bỏ ước mơ, nhưng lại không dám nói với bất kỳ ai.
Khi biết được điều này, mẹ nhỏ nhẹ nói với tôi: “Mẹ không muốn con buồn lòng vì bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Nhưng nếu con rời bỏ nơi ấy tức là con chấp nhận những điều họ nói sai về con. Dù mẹ biết con có khả năng tìm cho mình một con đường khác nhưng vì sao không cho con một cơ hội để ở lại. Thời gian qua đi, sẽ có lúc con thấy bản thân đúng đắn như thế nào. Con hãy yên tâm, vì mẹ luôn ở bên con và tin tưởng con tuyệt đối”.
Lời động viên giản dị mà thấm thía ấy đã khiến bản thân tôi vững tin vào lựa chọn ở lại và tiếp tục công việc. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, tự giày vò tâm trí của bản thân, tôi học cách chấp nhận thực tại, ra sức kiên nhẫn và tận tâm hơn với công việc. Hơn bất kỳ ai, tôi luôn tin rằng dù thế giới quay lưng, mỗi người chúng ta vẫn còn gia đình và cha mẹ là “hậu phương” vững mạnh phía sau. Gia đình là nơi duy nhất có thể dang rộng đôi tay bảo bọc cho chúng ta qua biết bao mưa nắng đời thường giữa cuộc mưu sinh tất bật.
Người dạy tôi biết bao bài học về nhân sinh
Tôi luôn thấy bản thân rất may mắn khi được là con của ba mẹ mình. Ba mẹ không những là đấng sinh thành nhẫn nại, khoan dung mà còn là những người con rất hiếu thảo, yêu thương ông bà tôi hết mực.
Trước khi ông bà nội mất, tôi hiếm khi thấy ba khóc. Ba chỉ lẳng lặng đem cơm, chăm thuốc và vỗ về cơn đau của ông bà những ngày mỏi mệt trên giường bệnh.
Nhưng sau ngày ông bà ra đi, mỗi dịp đám giỗ, ba tôi đều lẳng lặng đứng sau bàn thờ, khóc đầm đìa cả vạt áo. Mỗi thời điểm như vậy, mẹ hay bảo tôi xuống nhà dưới, để cho ba được yên tĩnh với ông bà. Cũng bởi mẹ hiểu ba đau lòng đến độ nào trước sự ra đi của ông bà nội, mặc dù ba vẫn luôn nói: “Ông bà đã có những ngày cuối đời rất viên mãn, hẳn họ sẽ rất nhẹ lòng khi thấy con cháu vẫn bình an”. Rồi ba cũng đến chùa thường xuyên hơn, dẫu mỗi mùa Vu Lan vẫn xót xa vì bông hồng trắng trên áo mình.
Còn mẹ tôi vốn là người hoạt bát, hay thích trò chuyện với ông bà ngoại. Chín năm trước, bệnh tình của ông ngoại ngày một trở nặng. Mẹ tôi quyết định xin nghỉ việc tạm thời, ở nhà dành hết thời gian chăm sóc ông. Nhưng rồi, ông ngoại tôi cũng không qua khỏi. Mẹ đưa ông về nhà trên chiếc xe cứu thương của bệnh viện.
Kể từ thời điểm ấy đến nay, mỗi khi nhìn thấy chiếc xe cứu thương nào trên đường, mẹ đều nghĩ đến ông ngoại, đến ngày li biệt mà cả đời mẹ chẳng thể nào quên. Dù vậy, mẹ vẫn thường bảo mình vẫn còn may mắn vì còn có bà ngoại ở cạnh. Suốt mùa dịch bệnh, mẹ tôi đứng ngồi không yên vì bà ngoại hay trở bệnh. Mẹ kiên nhẫn nấu cháo, đút thuốc, pha nước cam thậm chí thông báo tình trạng dịch bệnh mỗi ngày cho bà. Từ hình ảnh ấy, tôi học được biết bao bài học nhân sinh về tình yêu thương và lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Tôi nghĩ Vu Lan không chỉ là dịp lễ để báo hiếu theo truyền thống của đạo Phật mà còn là thời điểm để nhắc nhở bản thân đã được nhận biết bao tình cảm thiêng liêng như thế nào từ các bậc sinh thành. Cài một đóa hoa hồng đỏ thắm trên ngực áo, để biết mình đang hạnh phúc ra sao, khi vẫn còn cha mẹ bên cạnh.
Hoài My
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 theo gợi ý của chuyên giaNghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, khi làm mâm cơm cúng Rằm tháng 7, các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp khẩu vị, tránh lãng phí." alt="Mùa Lễ Vu Lan: Cài hoa hồng đỏ trên áo để nhớ mình còn là người hạnh phúc"/>