Mới đây, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện đã nghiên cứu phát triển thành công hệ thống điều khiển truy cậy đa vai trò bằng vân tay UCS-MFA, hay còn gọi là bảo mật đa vai trò, nhằm cung ứng cho thị trường trong nước một giải pháp tối ưu về bảo mật và chi phí.
Đề tài nghiên cứu "Phát triển, ứng dụng hệ thống xác thực bảo mật đa vai trò sử dụng vân tay trong lĩnh vực an ninh ngân hàng", do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện thực hiện, thuộc Đề án phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì.
Trên trang congnghiepcongnghecao.com.vn của Bộ Công Thương, TS. Trần Thiện Chính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính của đề tài chia sẻ, điểm đặc biệt của hệ thống là cho phép thiết lập điều kiện xác thực kết hợp đa vai trò của nhiều người dùng.
Ví dụ, nếu bảo mật được thiết lập cho 3 lớp khóa nhận dạng vân tay thì yêu cầu phải có sự xác thực của cả 3 chủ thể đó cùng lúc mới có thể mở khóa. Trong trường hợp thiếu chủ thể xác thực hoặc chủ thể không đúng thì khóa không thể mở và hệ thống sẽ phát cảnh báo về máy chủ.
“Như vậy cần có sự đồng thuận của cả 3 người, ví dụ như kế toán - thủ quỹ - trưởng chi nhánh mới có thể rút tiền. Ngoài ra, thiết bị cho phép mỗi người dùng đăng ký nhiều vân tay, để có thêm phương án thay thế”, TS. Trần Thiện Chính giải thích cụ thể.
|
TS. Trần Thiện Chính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính của đề tài bảo mật vân tay "Make in Vietnam" chia sẻ, điểm đặc biệt của hệ thống là cho phép thiết lập điều kiện xác thực kết hợp đa vai trò của nhiều người dùng. Nguồn: congnghiepcongnghecao.com.vn. |
Được biết, hệ thống đã được thử nghiệm thành công với hơn 100 điểm thử nghiệm tại các danh nghiệp tài chính - ngân hàng và nhận được phản hồi rất tích cực. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề ký hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Hệ thống xác thực vân tay đa vai trò "Make in Vietnam" này hứa hẹn nhiều ứng dụng tiềm năng. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển công nghệ nhằm mở rộng ứng dụng ra nhiều lĩnh vực khác.
Trong tương lai gần, chúng ta có thể sớm thấy kết quả của nhóm nghiên cứu trong các thiết bị như khóa an toàn cho nhà thông minh, xác thực danh tính trong thi cử, tiếp cận trạm cung cấp dịch vụ công (điện)...
Thị trường chờ đón sản phẩm bảo mật "Make in Vietnam"
Bảo mật vân tay không phải là điều quá mới mẻ trong thời đại này khi mà công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách cuộc sống. Thực tế trong nhiều ngành nghề cần tính bảo mật cao như tài chính - ngân hàng, việc xác thực danh tính dựa trên sinh trắc học vân tay đã được ứng dụng khoảng chục năm trước và chứng minh được tính ưu việt so với các phương thức truyền thống.
Mặc dù thực tế cho thấy công nghệ này đem lại nhiều lợi ích, như tính xác thực cao gần như tuyệt đối, tiết kiệm nhân lực và thời gian..., nhưng việc ứng dụng tại thị trường Việt Nam vẫn còn khó khăn. Cụ thể, nhiều ngân hàng phải nhập công nghệ bảo mật từ nước ngoài, với chi phí đầu tư ban đầu và duy trì tương đối cao.
Điều đó khiến hệ thống do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện phát triển mang ý nghĩa lớn, tương tự như nhiều sản phẩm "Make in Vietnam" khác. TS. Lê Quang Minh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Ứng dụng công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bí mật thông tin ở mức cao để phát triển bộ giải pháp an toàn an ninh mạng LAN cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp" của Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này.
Theo đó, kết quả nghiên cứu "Make in Vietnam" có ưu điểm là đơn giản, thân thiện, dễ dùng, chi phí hợp lý hơn so với giải pháp được phát triển bởi các công ty nước ngoài nhưng đem lại hiệu quả tương đương thậm chí là tốt hơn. "Chi phí duy trì, cập nhật và hướng dẫn sử dụng được Make in Vietnam 100% nên phù hợp với đại đa số các doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ", TS. Minh khẳng định.
|
Nhiều ngân hàng vẫn phải nhập công nghệ bảo mật từ nước ngoài, với chi phí đầu tư ban đầu và duy trì tương đối cao. Điều đó khiến hệ thống do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện phát triển mang ý nghĩa lớn. Nguồn: congnghiepcongnghecao.com.vn. |
Hiện nay nhu cầu về các sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin luôn rất cao. Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến số sự cố là 1.495 cuộc.
Trong gần 1.500 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2020, số cuộc tấn công lừa đảo (Phishing) vẫn chiếm đa số, với 701 cuộc, chiếm 46,9%; số cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) là 498 cuộc, chiếm 33,3%; số cuộc tấn công cài mã độc (Malware) là 296 cuộc, chiếm 19,7%.
H.A.H
Công cụ “Make in Vietnam” giúp nhận diện mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền
Giải mã, nhận diện mã độc mã hóa tống tiền (ransomware) và Kiểm tra tập tin độc hại là 2 công cụ “Make in Vietnam” mới được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp miễn phí cho cộng đồng trên trang Khonggianmang.vn.
" alt="Hệ thống bảo mật vân tay 'Make in Vietnam' sẵn sàng chinh phục thị trường" width="90" height="59"/>