- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Phan Tâm khẳng định, việc siết chặt quản lý đối với nhóm tên miền quốc tế tại Việt Nam sẽ đảm bảo sự phát triển cân đối giữa tên miền quốc gia ".vn" và tên miền quốc tế, việc thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam, cũng như bảo vệ được lợi ích của cộng đồng. |
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng 26/5, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của Internet trong thời gian qua đã đem lại các lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tính đến cuối năm 2016 đã có 329,3 triệu tên miền được đăng ký trên thế giới, tăng 6,8% so với năm 2015. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân của thế giới trong năm 2016 (3,1% theo Quỹ tiền tệ thế giới).
"Internet phát triển cũng đồng thời làm gia tăng các vấn đề của xã hội, đặc biệt xảy ra ngày càng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong sử dụng các website, đưa các thông tin xấu độc, sai sự thật mà Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục xử lý. Do vậy, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững xã hội thông tin, việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam cần được quản lý chặt chẽ hơn", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Tạo công bằng trong quản lý tên miền quốc gia và tên miền quốc tế
Về mặt kỹ thuật, tên miền Internet (cả tên miền quốc gia lẫn tên miền quốc tế) là công cụ để truy cập các nội dung đặt tại máy chủ được định danh bởi địa chỉ IP đi kèm theo tên miền. Tuy nhiên, nhiều chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc tế chỉ vì cho rằng việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam dễ dàng hơn, không phải chịu sự quản lý và kiểm soát của các quy định pháp luật Việt Nam. Thực tế này dẫn đến tình trạng các vi phạm xảy ra ở những trang mạng sử dụng tên miền quốc tế có tỉ lệ cao hơn so với ở các trang dùng tên miền quốc gia ".vn".
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp). Song, tính đến ngày 16/5, số lượng tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên trang web thongbaotenmien.vn chỉ có 157.464 tên miền.
Ông Tân thông tin thêm, cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên Internet, do VNNIC phối hợp với Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở TT&TT Quảng Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP HCM, Cần Thơ phát hiện, nhìn chung, các đối tượng bị thanh, kiểm tra tại địa phương đều không nắm rõ quy định của pháp luật về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam. Một số chủ thể sử dụng tên miền quốc tế như blockchai...info, myok...asia, minhchaueco...com, 188be...com, ... có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số khác có hành vi vi phạm về việc cung cấp thông tin trên mạng, thiết lập trang tin điện tử khi chưa có giấy phép, có hành vi vi phạm bản quyền. Cũng có hiện tượng sử dụng tên miền quốc tế để giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức hoặc cá nhân khác, đưa tin bài không kiểm duyệt chặt chẽ nội dung thông tin, đưa các nội dung chương trình phát thanh truyền hình khi chưa được sự đồng ý của chủ thể.
|
Theo ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, 95% vụ việc vi phạm xuất phát từ tên miền quốc tế do không thiết lập chế tài quản lý từ đầu. |
Trong khi đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý vi phạm của những chủ thể sử dụng tên miền quốc gia ".vn" và chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý vi phạm trên tên miền quốc tế. Theo giám đốc VNNIC, 95% vụ việc vi phạm xuất phát từ tên miền quốc tế do không thiết lập chế tài quản lý từ đầu.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, nếu để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân đối giữa tên miền quốc gia và tên miền quốc tế, vấn đề bảo đảm thực thi các quy định pháp luật của VN cũng như bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Thứ trưởng lưu ý, các chủ thể sinh sống, làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối mạng Internet có thể sử dụng bất cứ loại tên miền nào (tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" hay tên miền quốc tế), nhưng đều phải tuân thủ theo luật pháp của Việt Nam.
Để giải quyết các bất cập, hiện nay, Bộ TT&TT đang tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật liên quan sao cho ngày càng phù hợp hơn với việc quản lý thông tin trên thế giới cũng như tình hình thực tế trong nước. Cụ thể, dự thảo nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT đang được xem xét để bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm tên miền quốc tế. Bộ TT&TT cũng định hướng đẩy mạnh và tăng cường công tác thanh kiểm tra tên miền quốc tế trên diện rộng trong năm 2017.
Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sử dụng tên miền quốc tế ở Việt Nam. Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ luôn hoan nghênh các ý kiến trao đổi, đóng góp thẳng thắn của các chuyên gia và cộng đồng nhằm hoàn thiện các chính sách quản lý trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để truyền tải đầy đủ, kịp thời các thông tin quy định đến cộng đồng sử dụng tên miền, đến mọi tổ chức, cá nhân liên quan, giúp việc sử dụng và quản lý tên miền quốc tế cũng như tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" ngày càng công bằng, lành mạnh.
Tuấn Anh
" alt="Quản lý chặt việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam"/>
Quản lý chặt việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam