Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Chiến lược Ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến 2020, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 là những văn bản quan trọng, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT có đóng góp trực tiếp, an toàn và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở Luật và Chiến lược, nhiều kế hoạch, quy hoạch, dự án, đề án và các văn bản dưới luật khác đã được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. |
Các văn bản pháp luật và cơ chế chính sách quan trọng trong lĩnh vực NLNT ở Việt Nam. |
Sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược, 10 năm thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng NLNT đảm bảo an toàn, an ninh đã có những kết quả đáng ghi nhận, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đầu tư cho nghiên cứu có sự tăng trưởng đáng kể trên các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu về điện hạt nhân. Nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước đã được tổ chức thực hiện.
Phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế
Việc ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến đã có đóng góp rất quan trọng cho việc chẩn đoán, điều trị các bệnh hiểm nghèo ở Việt Nam, trong đó có bệnh ung thư với số lượng 160.000 ca mắc mới mỗi năm (theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO).
Về y học hạt nhân, hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân, trên 45 thiết bị xạ hình trong đó có nhiều thiết bị hiện đại như SPECT/CT, PET/CT, đạt tỷ lệ gần 0,5 máy/1 triệu dân. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT & SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Kỹ thuật xạ hình PET/CT sử dụng 18F-FDG, công nghệ tiên tiến của thế giới đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán - điều trị ở các khoa y học hạt nhân một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhờ công nghệ sản xuất đồng vị phóng xạ trên máy gia tốc cyclotron.
Về xạ trị, cả nước hiện có gần 40 cơ sở xạ trị - phần lớn tập trung tại các thành phố lớn, trên 70 thiết bị xạ trị, đạt tỷ lệ gần 0,75 thiết bị/1 triệu dân. Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam. Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, ... đã đưa vào sử dụng hệ thống máy gia tốc xạ trị LINAC thế hệ mới hiện đại giúp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư.
Trong lĩnh vực điện quang, cả nước có khoảng 174 máy chụp cắt lớp vi tính (CT), 51 máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và 21 máy chụp mạch máu, ... rong khi máy X-quang thường quy đã được trang bị đến các bệnh viện tuyến huyện thì các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành.
Các hệ thống ghi hình tích hợp như SPECT/CT, PET/CT đang trở thành công cụ thiết yếu quan trọng cho ngành ung bướu, tim mạch, thần kinh… ở Việt Nam. Vừa qua, công nghệ tích hợp PET/MRI đã được Công ty Siemens Japan giới thiệu tại Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến lần II do Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2019. Đây là công nghệ hiện mới chỉ được áp dụng ở một số nước phát triển trên thế giới.
Lượng dược chất và đồng vị phóng xạ được sản xuất từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các máy gia tốc cyclotron trong nước hiện khoảng 600Ci/năm, đáp ứng gần 50% nhu cầu chẩn đoán và điều trị, phần còn lại được cung cấp từ nguồn nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu dược chất và đồng vị phóng xạ ngày càng cao.
|
Máy gia tốc 30 MeV dùng để sản xuất dược chất phóng xạ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. |
Phát triển, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác
Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT), hệ điều khiển hạt nhân và kỹ thuật đánh dấu đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công nghiệp. Kỹ thuật NDT đã được ứng dụng trong các công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, … Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thuộc Viện NLNTVN đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp và cung cấp cho 7 phòng thí nghiệm trên thế giới theo đặt hàng của IAEA; áp dụng kỹ thuật soi tháp và đường ống công nghiệp bằng tia gamma tại một số cơ sở công nghiệp như Đạm Phú Mỹ, chế biến khí Nam Côn Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… ; triển khai kỹ thuật đánh dấu trong khai thác dầu khí trên các mỏ ở Việt Nam và xuất khẩu dịch vụ sang Cô-oét, Angola; thiết lập công nghệ khảo sát và phần mềm tính toán mô phỏng cho các pha dầu, nước và khí với hơn 20 chất khác nhau được IAEA đánh giá cao.
Công nghệ bức xạ bằng nguồn Co-60 và máy gia tốc đã được các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp ứng dụng thành công và hiệu quả ở Việt Nam. Nước ta hiện có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp, được đánh giá là một trong những nước có số lượng thiết bị tương đối nhiều ở Đông Nam Á. Doanh thu từ chiếu xạ quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu đối với các mặt hàng hoa quả, thủy sản, hải sản… vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc… đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong lĩnh vực an ninh - hải quan, việc sử dụng các hệ thống soi chiếu container sử dụng bức xạ tia X phát ra từ các máy gia tốc đã giúp đẩy nhanh hoạt động thông quan tại một số bến cảng, sân bay lớn, giảm chi phí và thời gian lưu kho bãi. Hiện tại, ngành Hải quan Việt Nam đã được trang bị 15 hệ thống soi container, gồm 3 hệ thống soi cố định, 2 hệ thống soi dạng cổng và 10 hệ thống soi di động.
Phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp
Sự kết hợp giữa các nhà khoa học nông nghiệp với các cơ sở nghiên cứu hạt nhân trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng; chống xói mòn; bảo vệ thực vật đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã có bước tiến đáng kể với việc đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng năng suất cao, phẩm chất tốt. Hiện nay Việt Nam đã tạo ra trên 68 giống cây trồng nông nghiệp, trong đó có 48 giống lúa còn lại là đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà,... 04 trong tổng số 13 giống đậu tương được tạo ra bằng đột biến phóng xạ đã trở thành các giống chủ lực năng suất cao 18-36 tạ/ha, chất lượng tốt, hiện chiếm trên 50% diện tích đậu tương cả nước (khoảng 80.000 ha/năm), đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về năng suất đậu tương.
|
Đại sứ Nguyễn Thiệp thay mặt Việt Nam nhận các giải thưởng của IAEA tại Viên, Áo, năm 2014. |
Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TS. Trần Duy Quý; 02 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho 02 tập thể và 02 cá nhân.
Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice) năm 2019 tổ chức tại Philippines, giống lúa ST25 của Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học đến từ tỉnh Sóc Trăng đã được vinh danh và nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới.
Phát triển, ứng dụng bức xạ trong tài nguyên và môi trường
Năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và nộp lưu trữ Bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000. Bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho 5 khu đô thị, dân cư lớn đang được xây dựng theo Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, 27 trạm quan trắc phóng xạ đã được xây dựng tại các mỏ có chứa phóng xạ trên 16 tỉnh, thành. Một số thông số bức xạ tự nhiên đã và đang được tiến hành quan trắc tại các trạm khí tượng bề mặt, trạm ôdôn - bức xạ cực tím. Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực địa vật lý phục vụ thăm dò khoáng sản, thăm dò và khai thác dầu khí cũng đã được triển khai, ứng dụng tại các thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Kỹ thuật thủy văn đồng vị cũng đã được nghiên cứu sử dụng trong quản lý tài nguyên nước tại khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long.
Kể từ khi Chiến lược Ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được ban hành, việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện, trong đó một hệ thống các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách, nhiều đề án, kế hoạch, dự án đã được xây dựng và tổ chức thực hiện.
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chọn tạo giống cây trồng đột biến, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ có nhiều tiềm năng, triển vọng, song sự quan tâm, đầu tư của các Bộ, ngành còn chưa được tương xứng; đội ngũ cán bộ tuy đông đảo nhưng đang có nguy cơ thiếu hụt lực lượng chuyên gia. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động quản lý, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn tới cần được đẩy mạnh là: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế,...
TS. Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ)
" width="175" height="115" alt="Nhiều ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội" />