Dịch vụ gọi xe đã phổ biến ở Trung Quốc từ rất sớm. Didi,ạnhtranhkhốcliệttàixếtaxiTrungQuốcthủsẵnsmartphonebênmìpsg công ty dẫn đầu với thị phần khoảng 70%, được thành lập vào năm 2012. Người dùng các dịch vụ gọi xe đã vượt quá 500 triệu vào tháng 12/2023.
Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, hơn 7,1 triệu giấy phép cho các tài xế taxi công nghệ đã được cấp tính đến tháng 6, tăng gấp đôi trong ba năm. Các chuyến đi trong tháng 6 đạt mức cao kỷ lục, 971 triệu.
Deng, một tài xế taxi tại Thượng Hải cho biết, hầu hết khách hàng của mình đều đi qua app Didi. Trên ứng dụng này, hành khách có thể gọi xe tư nhân hoặc xe taxi. Từ khâu gọi xe cho đến thanh toán đều không cần đến giao tiếp.
Smartphone đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với các tài xế. Tài xế Xu có tới bốn chiếc điện thoại thông minh trước ghế lái.
"Chúng ta đang sống trong thời đại tìm kiếm khách hàng thông qua các ứng dụng, vì vậy tôi có nhiều smartphone một lúc để chạy nhiều ứng dụng",Xu chia sẻ.
Xu dùng một máy để trò chuyện với các tài xế khác qua WeChat. Ba ứng dụng còn lại dành cho các ứng dụng gọi xe, bao gồm Didi.
Trước khi có mạng lưới tàu điện ngầm hiện đại như hiện nay, gọi xe taxi vào giờ cao điểm tại Bắc Kinh và Thượng Hải là một “cơn ác mộng”. Ngay cả bây giờ, vào những đêm mưa, hàng trăm khách hàng đều phải chờ đến lượt trên Didi.
Sự phổ biến của các app gọi xe giúp tài xế có thời gian làm việc linh hoạt hơn. Zhang, người từng làm tài xế taxi ở Thượng Hải 14 năm trước khi trở thành tài xế Didi, cho biết, trước đây, không phải ngày nào cũng được đi làm. Dù vậy, ông thừa nhận cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Do giá cước taxi ở Thượng Hải cao, tài xế ở các thành phố khác đã kéo đến. Zhang phải làm việc lâu hơn để có thu nhập bằng với trước. Ông thường chạy xe từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Ngoài ra, việc ai cũng có thể làm tài xế dịch vụ dẫn đến dư thừa nguồn cung, cạnh tranh quá mức ở một số khu vực. Theo Cục Giao thông vận tải Quảng Châu, tính đến tháng 5, thu nhập trung bình hằng ngày của tài xế dịch vụ ở đây khoảng 312 NDT (hơn 1 triệu đồng), giảm 12% so với một năm trước.
Gần đây, các nhà chức trách ở các thành phố Trùng Khánh, Tô Châu và Cảnh Đức Trấn đã cảnh báo những người đang cân nhắc trở thành tài xế nên thận trọng, dẫn lý do thị trường đã bão hòa vì năng lực vận chuyển vượt quá nhu cầu.
Cạnh tranh quá mức không phải là thách thức duy nhất. Năm 2019, “ông lớn” công nghệ Baidu bắt đầu thử nghiệm taxi tự lái cấp độ 4 hoàn toàn tự động, không cần con người vận hành (robotaxi), trên một số con đường ở tỉnh Hồ Nam.
Vào năm 2021, hãng khai trương dịch vụ thương mại robotaxi tại Bắc Kinh, sau đó mở rộng sang Vũ Hán.
Robotaxi có thể đe dọa việc làm của các tài xế nên vấp phải phản đối. Theo Xu, tài xế con người an toàn hơn trong tình huống khẩn cấp và còn giao tiếp với khách hàng, tạo không khí vui vẻ.
Ngoài xe tự lái, Trung Quốc đang đạt được tiến bộ về taxi bay. Startup AutoFlight đã thực hiện một chuyến bay trình diễn trên chặng đường 50km vào tháng 2 giữa Thâm Quyến và Chu Hải. Ngày 16/6, chiếc ô tô bay do AeroHT, công ty con của Xpeng, sản xuất đã cất cánh tại sân bay quốc tế Daxing Bắc Kinh, tiến gần đến thương mại hóa.
Nền “kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp vận hành máy bay không người lái và máy bay có người lái ở độ cao dưới 3.000 mét, gia tăng đáng kể từ năm 2021, sau khi chính quyền trung ương đưa ra các chính sách và quy định để thúc đẩy lĩnh vực non trẻ.
26 chính quyền tỉnh đã công bố kế hoạch cho nền kinh tế tầm thấp trong năm nay, theo dữ liệu chính thức được công bố vào tháng 4.
(Theo Nikkei, SCMP)