NSND Quốc Chiêm. Theo NSND Quốc Chiêm, khi vai trò của các phương tiện truyền thông ngày càng lớn, kéo theo nó là sự "lên ngôi" của công chúng phổ thông. Chúng ta đối mặt với tình trạng "loạn sách", "loạn tác phẩm", "loạn thông tin", do có quá nhiều thứ để đọc, để nghe, để xem, khó khăn trong thẩm định, đánh giá tác phẩm. Trong khi đó, vấn đề định hướng, giáo dục, thẩm mỹ đúng đắn, kịp thời cho công chúng hiện nay đang có những bất cập, hạn chế.
NSND Quốc Chiêm nhận định hiện nay giới trẻ thường thích truyện tranh, mê xem hình hơn đọc chữ. Trong lĩnh vực âm nhạc, ca khúc đại chúng tung hoành ngang dọc, còn mảng lớn khác như nhạc không lời, hợp xướng... bị bỏ quên. Với nghệ thuật sân khấu lại đặt ra vấn đề là: Chỉ có yếu tố giải trí mà đôi khi xem nhẹ yếu tố giáo dục? Khán giả mê điện ảnh cũng nhận thấy phim truyền hình nhiều tập đang thống trị. Thực tế, hiện tượng chạy đua theo trào lưu thế giới hiện được coi là mốt của số đông công chúng trẻ…
Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ (những người sinh ra và lớn lên trong hoà bình, thống nhất đất nước) tuy có những điểm mạnh nhưng lại có bộ phận không nhỏ xem nhẹ trách nhiệm công dân, không gắn bó máu thịt với thực tiễn đời sống, xa rời mục tiêu sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao, dễ thoả mãn với bản thân, ... Trong khi đó, một bộ phận văn nghệ sĩ lúng túng trước những biến đổi của đời sống, suy giảm nhiệt tình, lý tưởng sáng tạo hướng tới những vấn đề của dân tộc, thời đại. Đây chính là những lý do chủ quan khiến chúng ta chưa có những tác phẩm thực sự có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Trước những thực trạng NSND Quốc Chiêm đã nêu, hoạ sĩ Khánh Châm - Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội khẳng định, khi vai trò của văn học nghệ thuật là nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng không được chú trọng, các chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục bị xem nhẹ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật dễ trở thành “món ăn tinh thần” vô bổ, thậm chí độc hại đối với công chúng thưởng thức. Theo ông, cần chú trọng dành cho tuổi trẻ những tác phẩm có nội dung và hình thức nghệ thuật phù hợp, lành mạnh, hướng tới chân - thiện - mỹ…
Hoạ sĩ Khánh Châm. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) khẳng định phải quan tâm định hướng lý tưởng thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường qua duy trì, cải tiến chương trình học tập giảng dạy các môn về văn học nghệ thuật (văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa…).
Chống sa đà vào khuynh hướng giải trí tầm phào, vô thưởng vô phạt; khuynh hướng đề cao bạo lực, tình dục với lối sống sa đọa. Ích kỷ, loạn luân, thiên về phản ánh cái tiêu cực, cái xấu, cái ác mà không phê phấn trên lập trường của cái tốt, cái đẹp một cách thuyết phục.
Tuổi trẻ có thể làm gì cho văn chương?
Nhà văn Đức Anh phân tích, giữa bão thông tin, con người cần có văn học để làm gốc toạ độ, để cố định không gian tinh thần riêng tư. Điều này luôn nảy sinh khao khát viết về thời đại của mình. Giấc mơ trở thành một Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Balzac, Haruki Murakami của thế kỷ này đã trở nên một điều cơ bản cho mỗi người khi có ý định nguy hiểm là trở thành nhà văn.
Có thể không tuyên bố, không rùm beng, cũng có thể hài lòng với suy nghĩ “viết cho chính mình trước đã”, thì bất cứ một cây bút nào cũng đều ít nhiều nỗ lực tóm lấy thời đại mình đang sống. Một người viết văn dũng cảm thường cần hai điều: tài năng và tham vọng. Thực tế, nhà văn Đức Anh cho rằng, có hai nỗi sợ khi cầm bút viết: Cái thứ nhất là nỗi sợ không có người đọc. Nỗi sợ thứ hai cần vượt qua, là sợ những cái bóng lớn.
“Nhưng cuối cùng, chúng tôi thấy rằng các nhà văn lớn dường như đều khuyên một điều chung: hãy biết lờ đi nỗi sợ hãi”, nhà văn Anh Đức khuyên người trẻ viết. Với nhà văn Đức Anh, phẩm chất quan yếu nhất mà một người có thể đóng góp cho văn chương nước nhà, hơn tất thảy, đó là sự tập trung vào công việc cần làm.
“Văn chương và những sáng tạo truyện kể đã từng làm nên thành công của các quốc gia lớn. Và tới đây, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ đòi hỏi điều đó như một nhu cầu bắt buộc của mục tiêu phát triển hưng thịnh”, nhà văn Đức Anh khẳng định.
NSND Quốc Chiêm cho rằng, cần tiếp tục cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật.
Từ đó, huy động mọi nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần, phát huy tối đa sức sáng tạo của giới văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình văn học, nghệ thuật như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu... để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đồng thời hấp dẫn với công chúng.
“Trình độ cảm thụ nghệ thuật của công chúng được nâng lên, nền văn học, nghệ thuật sẽ có động lực phát triển mạnh mẽ và đa sắc màu hơn. Những tác phẩm hấp dẫn, có tâm có tầm sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho đời sống xã hội”, NSND Quốc Chiêm khẳng định.
">