Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng.Để “chắp cánh” cho học sinh, sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn nữa, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, địa phương cần thực hiện một số giải pháp thiết thực.
Trước hết, cần thành lập và duy trì các quỹ học bổng. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp hoạt động khuyến học có thêm nguồn lực cụ thể, công cụ hữu hiệu để triển khai thực chất các chính sách khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng.
Các quỹ học bổng này ngoài khuyến khích học sinh, sinh viên có thành tích tốt, học giỏi, tài năng còn dành để tài trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên. Đây sẽ là khoản hỗ trợ giúp cuộc sống của các em bớt khó khăn, tiếp thêm tinh thần, sức mạnh và nghị lực để các em không bỏ dở việc học.
Ngoài ra, cần có các khoản hỗ trợ tài chính khác. Chẳng hạn, các trường học, tổ chức giáo dục có thể đưa ra chính sách miễn giảm học phí cho những học sinh, sinh viên khó khăn, để các em giảm bớt gánh nặng về chi phí.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn quận đã đặc biệt quan tâm đến học sinh nghèo vượt khó bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ trao các suất học bổng từ quỹ học bổng; tặng xe đạp, bàn ghế...
Chương trình vay vốn học tập cũng là một kênh hỗ trợ tài chính khác. Nhiều năm nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo đuổi ước mơ học tập, tạo việc làm cho tương lai. Việc hỗ trợ các em vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để trang trải chi phí học tập và cho phép trả sau khi ra trường đã giúp các em tập trung vào việc học.
Một giải pháp khác là tạo môi trường học tập và rèn luyện. Bằng cách tổ chức các lớp học thêm miễn phí hoặc miễn giảm học phí, học sinh sẽ có cơ hội được bổ sung kiến thức và củng cố các kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, các trường có thể tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên mượn hoặc nhận tài liệu học tập miễn phí, từ sách giáo khoa, bài giảng đến các công cụ học tập trực tuyến.
Các trường cần động viên khen thưởng kịp thời cho các gương điển hình vượt khó vươn lên học tốt để khuyến khích tinh thần vượt khó. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho các em và cả những người xung quanh. Ngoài ra, nhà trường có thể chia sẻ câu chuyện thành công bằng việc mời các cựu học sinh, sinh viên từng vượt khó thành công, truyền cảm hứng để giúp các em thêm tự tin vào khả năng của mình.
Theo bà Hiền, đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển. Việc hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn và đạt được thành tích tốt trong học tập là một nhiệm vụ quan trọng của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Tuy nhiên, các giải pháp khuyến khích cần được triển khai đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng để tạo nên môi trường học tập thuận lợi, động viên các em nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bằng cách giúp các em vượt khó học giỏi, chúng ta không chỉ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội mà còn xây dựng những thế hệ có ý chí và nghị lực, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Đồng Nai thu hàng tỷ đồng từ phong trào nuôi heo đất làm quỹ khuyến họcHàng nghìn học sinh khó khăn ở Đồng Nai được quỹ khuyến học hỗ trợ. Đặc biệt nơi đây, phong trào nuôi heo đất làm quỹ khuyến học phát triển mạnh.">