|
Cổng thông tin bvte.vncert.vn là địa chỉ mà mọi người dân có thể truy cập để báo cáo các sự vụ xâm hại, gây nguy hại cho trẻ trên mạng. |
Là chương trình dài hạn và có sự phối hợp của nhiều đơn vị, kế hoạch thực hiện Chương trình 830 mới được Bộ TT&TT ban hành gồm 26 nhiệm vụ cụ thể, cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TT&TT trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.
Kế hoạch này nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ về hiện trạng, nguy cơ đối với trẻ em và các kiến thức định hướng trẻ em tương tác an toàn và lành mạnh trên môi trường mạng.
Khuyến nghị và tuyên truyền các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Triển khai những giải pháp kỹ thuật để phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Kế hoạch cũng hướng tới thúc đẩy công cuộc nghiên cứu, xây dựng và triển khai hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.
Sẽ ra mắt ứng dụng cho phép trẻ em thu nhận thông tin, bày tỏ nguyện vọng
Cụ thể, tại kế hoạch triển khai Chương trình 830 mới được Bộ TT&TT ban hành, nội dung công việc Cục An toàn thông tin được giao chủ trì triển khai ngay trong quý III này là thiết lập Cổng thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến, kênh thông tin (fanpage) trên các mạng xã hội trực trực tuyến có nhiều người sử dụng ở Việt Nam để hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến trên các kênh thông tin, truyền thông phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu và năng lực.
Trong quý IV, Cục An toàn thông tin sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; xây dựng bộ cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Việc xây dựng, vận hành và tổ chức thu thập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu CSAM (cơ sở dữ liệu thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em – PV) của Việt Nam dự kiến được hoàn thành trong quý I năm tới.
|
Xây dựng bộ cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ sẽ được Bộ TT&TT triển khai trong quý cuối cùng của năm nay. (Ảnh: Hải Đăng) |
Trong quý II/2022, Cục An toàn thông tin sẽ chủ trì triển khai giải pháp kỹ thuật tích hợp tự động các phản ánh từ doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ, người sử dụng trên Internet về những vụ việc liên quan tới xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời đề xuất cơ chế thí điểm đặt hàng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển để hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng.
Cũng theo kế hoạch mới ban hành, nhiều nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm sẽ được các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT triển khai trong thời gian tới như: Nghiên cứu cập nhật xu hướng và đề xuất các phản ứng chính sách trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông tới toàn xã hội về hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; Tham gia tổ chức các cuộc thi nâng cao nhận thức, kỹ năng để trẻ em có thể sử dụng mạng an toàn và hiệu quả.
Cùng với đó, tới đây Bộ TT&TT sẽ thường xuyên xử lý việc tạm ngưng, thu hồi các trang web có tên miền quốc gia “.vn” có nội dung xâm hại trẻ em theo yêu cầu của cơ quan chức năng, phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng đối với các web có tên miền “.vn” hoặc IP Việt Nam để hỗ trợ xử lý, ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến ngăn chặn, xử lý nội dung xâm hại, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em…
Vân Anh
Lần đầu Việt Nam có chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng
Với việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến năm 2025, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng.
">