Trong điều kiện môi trường thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, việc lát đá granit, lát gỗ lim trên vỉa hè sẽ kích hoạt thêm tình trạng phá hoại môi trường, không tạo ra vẻ đẹp thân thiện thu hút du khách dù phải tiêu tốn số tiền khá lớn. Người có hiểu biết, có lòng nhân ái e rằng sẽ không dám dẫm chân lên những vỉa hè sang trọng đó. |
Phối cảnh vỉa hè lát gỗ tại Huế |
Đã có nhiều ý kiến phản biện với dự án đầu tư 1000 tỉ đồng để lát đá granit toàn bộ vỉa hè 134 con đường quận 1 (TP.HCM). Trước đó, TP Hà Nội cũng mấy lần đề xuất, khởi động dự án lát đá granit cho các tuyến phố Hà Nội và cũng không được dư luận đồng thuận.
Cân nhắc lợi – hại
Lý lẽ của người phản biện thì rất nhiều và rất rõ ràng. Về kinh tế, đây là sự lãng phí tiền bạc, khi hạ tầng nền đường chưa ổn định, thường xuyên đào đi lắp lại, việc lát vỉa hè bằng vật liệu đắt tiền khác nào đem chén kiểu để lót đường.
Về thiết kế đô thị, mặt đất rất cần khe hở để thấm nước mưa, giảm áp lực thoát nước, và bù cho các mạch nước ngầm. Việc lát gạch granit trên diện rộng sẽ bịt kín mặt đất, tăng thêm tình trạng ngập úng trên đường phố. Về an toàn, mặt đá granit trơn láng, không phù hợp với lát vỉa hè, dễ gây tai nạn cho người đi bộ…
Với sự phản biện mạnh mẽ ấy, chừng như có người vẫn chưa thay đổi quan điểm. Người ta vin vào lý lẽ không sử dụng tiền ngân sách mà do doanh nghiệp ứng vốn đầu tư và sẽ chi trả bằng nguồn thu vượt kế hoạch, khoản chi phúc lợi.
Trong lúc doanh nghiệp đang kêu gào thiếu vốn, nhiều “đại gia” từng ăn to nói lớn, đầu tư ra nước ngoài, mà vẫn phải cầm cố đến đội bóng đá của mình; thì doanh nghiệp nào sẵn lòng bỏ cả ngàn tỉ đồng vốn làm vỉa hè sang trọng, quả thật là can đảm.
Dư âm các dự án khủng này chưa lắng xuống thì Huế lại đang xem xét đề án lát vỉa hè cho bờ sông Hương bằng gỗ lim. Về quy mô, dự án lát gỗ lim của Huế nhỏ hơn, chỉ dự trù khoảng độ dài gần 400m đường với chi phí khoảng 64 tỉ.
Nhưng vẫn là “chuyện lạ”. Xưa nay người ta dùng gỗ lim để làm cột đình do sự chắc chắn bền vững của nó. Vì thế trong ấn tượng truyền thống, gỗ lim phần nào đó còn mang ý nghĩa thiêng liêng.
Câu ca dao “chừng nào rau diếp làm đình, gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta”, cho thấy việc gỗ lim không dùng làm đình là sự trái ngược với logic đời sống. Đem gỗ lim làm đường, cũng là cách làm phản cảm.
Kích hoạt tàn phá môi trường
Dưới góc độ khoa học, TS. Chương Hoàng Phương (Bộ môn Thiết kế - kiến trúc và kỹ thuật, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế) cho rằng, Huế là địa phương thường xuyên có mưa lụt, công trình lại nằm bên bờ sông Hương nên việc sử dụng vật liệu gỗ sẽ không bền vững.
Tiến sĩ Phương phân tích: “Gỗ có ưu điểm thân thiện với môi trường, tạo ra cảnh quan, màu sắc phù hợp và thân thiện với môi trường, nhưng chắc chắn sẽ không bền bằng những vật liệu khác. Do đó cần tính toán đến tuổi thọ để có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng”.
Ông Đặng Minh Nam (Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại bảo vệ việc lát gỗ lim. Ông này cho rằng, nhà tư vấn thiết kế dự án đã tính toán đến khí hậu khu vực, dự ước tuổi thọ, đồng thời có những phương án dự phòng thay thế khi hư hỏng, tính toán mức độ thiệt hại trong trường hợp lũ lụt từ thượng nguồn đổ về, hay lũ do mưa cục bộ tại hạ du.
Ông Nam lại dự đoán phóng đại sự lạc quan về hiệu quả của cái vỉa hè bằng gổ lim sang trọng ấy, là không chỉ có lợi cho khu vực lát gỗ, mà còn kích thích cho các khu vực khác phát triển.
“Bây giờ để phát triển du lịch, phát triển các dịch vụ về đêm, làm sao cho khu vực đó sống? Người dân và du khách có đến đây không, họ đến để làm gì hay chỉ đến để chụp vài kiểu ảnh để tung lên Facebook thôi?
Tôi cho rằng nếu chăm chăm vào đó không thì cũng chưa hay. Dự án này phải tạo nền móng kích thích các khu vực khác để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư khác vào trong quy hoạch tổng thể sông Hương nhằm phát triển kinh tế, du lịch. Đó mới là vấn đề cần chú trọng”, ông Nam nói.
Lập luận của ông Nam hoàn toàn dựa trên suy đoán chứ không có cơ sở khoa học, thực tế nào.
Với quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Phương cho rằng chất liệu gỗ thân thiện với môi trường, đã nhắc nhở người ta vấn đề lớn hơn. Đó là cả hai dạng dự án lát đá granit và lát gỗ lim đều lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, là xâm phạm môi trường.
Núi lớn nhưng bào riết cũng phải mòn, rừng “vàng” đã thu hẹp đến quá giới hạn từ lâu rồi. Ở Tây Nguyên, có khi người ta ghép diện tích cao su, cà phê vào diện tích rừng để làm đẹp các báo cáo. Ở Nam Bộ, rừng U Minh nổi tiếng một thời giờ chỉ còn là di tích. Rừng tràm mênh mông của Đồng Tháp Mười cũng bị xóa trắng để trồng lúa.
Mọi sự tác hại vào tự nhiên luôn gây ra những hậu quả khốc liệt về môi trường. Nhưng hiện nay nhiều hoạt động kinh tế của chúng ta đều mang khuynh hướng khai thác cạn kiệt tài nguyên bất chấp hậu quả. Gỗ, đá hoa cương thì thân thiện với môi trường, nhưng khai thác tận diệt gỗ, đá là tàn phá môi trường.
|
Một con đường lát gỗ ở Đài Loan |
Đang trả giá
Môi trường của Việt Nam đang phải trả giá. Giá rất đắt không phải bằng lời kêu than, dự đoán mà bằng sự thật hiển nhiên. Đồng bằng sông Cửu Long đang khô hạn, ngập mặn hàng trăm ngàn ha. Tây Nguyên đang khô khốc bốc cháy. Quảng Nam đang rập rình trong những cơn động đất.
Những thảm họa kinh tế, xã hội phát sinh từ hiện tượng này không còn là chuyện xa xôi mà ngay sát cạnh đời sống người dân. Đó là giá lúa tăng cao, và không chỉ lúa mà cao su, cà phê và bao nông sản khác chắc chắn sẽ giảm sản lượng nặng nề.
Đời sống người dân đã cơ cực càng cơ cực hơn khi thiếu nước sinh hoạt, thiếu cả nước uống. Ngân sách quốc gia còm cõi chắc hẳn sẽ càng khó khăn hơn bởi thảm họa này.
Nhìn xa hơn nữa, không chỉ xuất khẩu lương thực giảm, mà nguy cơ mất an ninh lương thực cũng đang rập rình nếu không có biện pháp khả dĩ để “giải khát”, “giải mặn”. Tất cả các biện pháp khắc phục như đào hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh thác thích nghi với nước mặn (mới chỉ là trong ý tưởng của các nhà khoa học, nhà quản lý, chưa có một điều tra, đo đạc đánh giá khoa học nào) dù hiệu quả, nhanh chóng đến mấy cũng phải mất hàng chục năm.
Tất cả những thảm họa ấy đều có nguồn gốc từ việc khai thác thô bạo các nguồn tài nguyên nước, rừng.
Chúng ta không quy buộc dự án lát gỗ lim vỉa hè sông Hương là tác giả phá rừng. Dự án này có thể xin nhập gỗ lim từ Lào, từ Nam Phi. Nhưng e rằng tính lan tỏa của nó như ông Nam dự báo, sự “thành công” của dự án này chắc hẳn sẽ kích hoạt một làn sóng dùng gỗ lim hay gổ nói chung để lát vỉa hè cho các “thiên đường du lịch”.
Trong khi đó rừng ở Việt Nam còn quá ít ỏi để cân bằng các cơn lũ quét, lũ ống trong mùa mưa, các cơn khô hạn của mùa nắng.
Không học máy móc
Thực ra trên thế giới có không ít con đường gỗ, kiến trúc gỗ, đã thành điểm nhấn du lịch thu hút du khách. Tuy nhiên việc xây dựng nó phải tính đến những điều kiện cụ thể.
Đài Loan chỉ là hòn đảo nhỏ nhưng với công nghệ sinh học phát triển và ý thức gìn giữ môi trường, họ đã trồng rừng nhân tạo khai thác gỗ xoan đào xuất khẩu và thậm chí hào phóng làm nhiều con đường gỗ dài nhiều cây số cho những tuyến du lịch.
|
Vỉa hè lát gỗ tại châu Âu |
Thế nhưng những khu rừng quốc gia, những khu rừng nguyên sinh của họ được bảo tồn nguyên vẹn. Không chỉ cây còn sống, mà ngay cả những gốc cây cổ thụ ngàn năm đã “chết” hàng trăm năm, thân xác đã mục ruỗng, cũng được bảo tồn nghiêm, trở thành cảnh quan thú vị.
Không chỉ hệ thực vật mà cả hệ thống động vật hoang dã cũng được bảo vệ. Trên những tuyến đường từ Alisan về Tapei có không ít bảng cảnh báo rừng có thú dữ và không ít lần xe ô tô phải dừng lại chờ các chú nai, hươu, khỉ thong thả băng qua đường.
Thậm chí có những loài vật còn tự tin đùa giỡn, cụng đầu húc trán nhau ngay trên đường nhựa. Những con đường gỗ của họ thân thiện vì nó xuyên qua những cánh rừng già nhưng không mảy may phạm vào rừng.
Con đường gỗ lim của sông Hương sẽ trơ trọi bên dòng sông với hai bờ trơ trụi. Con đường lát gỗ lim ở vị trí trang trọng, được xem là điểm nhấn của Huế, nằm bên cạnh những cánh rừng thưa thớt còi cọc không còn cây cổ thụ. Cảnh tượng đó sẽ không thể là hạt ngọc sáng, mà trở thành vết sẹo đen về môi trường của cô gái đẹp sông Hương.
Cái đẹp phải gắn với cái thiện. Cái đẹp hình thức phải gắn với nội dung. Trong khi người dân các vùng miền khác oằn thắt đau khổ trong những thảm họa môi trường thì các vùng đô thị lại tiếp tục lạm dụng tài nguyên quốc gia để lát vỉa hè. Nếu vậy e rằng khó lòng tạo thiện cảm với du khách. Có nhiều cách để làm đẹp vỉa hè như trồng cây xanh, trang trí bằng cây cảnh… Đó là những cách làm không tốn kém mà tạo ra vẻ đẹp thân thiện thật sự.
TheoBáo Pháp luật
Dừng lát đá phố cổ Hà Nội" alt="Lát đá hoa cương, gỗ quý, nghịch cảnh từ những vỉa hè “siêu sang”"/>
Lát đá hoa cương, gỗ quý, nghịch cảnh từ những vỉa hè “siêu sang”
Trong khi thế giới phải xây dựng quy hoạch rồi mới có cao ốc nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại.Tiếp tục phản ảnh hiện tượng cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vàng trụ sở các DNNN không minh bạch đã khiến thất thoát tài sản nhà nước rất nhiều. TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu dẫn chứng hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như tòa nhà 8B Lê trực, Công ty CP Dệt Mùa Đông ở 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội)… các dự án được xây dựng trên khu đất cổ phần hóa do DNNN nhượng lại hoặc phát triển trên đất cổ phần hóa.
Mới đây nhất là khu đất của Xí nghiệp cơ khí Hà Nội đang thực hiện xong việc nhượng lại khu triển lãm Giảng Võ Hà Nội và sẽ còn nhiều dự án tương tự như vậy nữa.
Theo ông Liêm, nguyên nhân của những bất cập trên xuất phát từ một Nghị định chống ách tắc giao thông đô thị của Chính phủ ban hành từ năm 2008. Theo Nghị định trên, thành phố có chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, bệnh viện ra ngoài nội đô để giảm tải cho thành phố.
Tuy nhiên, trong khi hàng loạt các trường đại học, các công ty, xí nghiệp thực hiện chủ trương di dời thì ngay lập tức diện tích các khu đất này (thường là các khu đất vàng) đã được thực hiện mua bán, sang nhượng cho các nhà đầu tư khác. Từ đây, rất nhiều cao ốc, trung tâm thương mại đã mọc lên, không những tăng thêm áp lực cho nội đô mà còn là cơ hội cho tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước xảy ra.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đang chỉ ra một hiện tượng khác khi các doanh nghiệp địa ốc lớn thâu tóm đất vàng, đó là vấn đề quy hoạch đô thị.
“Tôi hoàn toàn hoan nghênh nhà cao tầng. Có nhà cao tầng là tốt nhưng nhà cao tầng rồi thì hạ tầng cơ sở xung quanh phải cải tạo đồng bộ, cải tạo bên trên đồng thời phải cải tạo hạ tầng (đường, điện, nước...) thì mới tương xứng. Vấn đề này lại không thấy ai lo.
Hà Nội hay các tỉnh thành khác đều đang xảy ra một hiện tượng “bất động sản dẫn dắt quy hoạch (tức là quy hoạch chạy theo để hợp thức hóa cho các dự án bất động sản). Đây là nghịch lý, trong khi thế giới phải xây dựng quy hoạch rồi mới có cao ốc nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại”, ông Liêm nói.
Vì thế, vị chuyên gia mới cho rằng, câu chuyện kêu gào thiếu bài đỗ xe, tắc đường là chuyện muôn thuở và còn lâu mới giải quyết được nếu vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mua chuộc cơ quan quản lý và dẫn dắt quy hoạch.
Vấn đề nữa là nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Theo ông Liêm, câu chuyện này là rõ ràng và ai cũng thấy. Về lý thuyết, đất vàng sau khi DNNN di dời phải được bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý. Khu đất ấy sẽ xác định có thể là trụ sở các sở, ngành của thành phố, khách sạn, công viên, nhà trẻ, trường học, thậm chí là nhà đỗ xe cao tầng...
Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự, nếu không người dân sẽ không biết giá thực là bao nhiêu. Nhưng thực tế, hầu hết các khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn. Mới có hiện tượng đất cứ hở là lại mọc lên cao ốc.
Liên quan tới câu chuyện này lại phát sinh một vấn đề nữa. Đó là quyền lợi của những người dân khi mua nhà trên khu đất này. Tại Điều 126, 147 Luật Đất đai 2013 quy định về thời hạn sử dụng đất, theo đó, đất giao cho cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ có thời hạn từ 50-70 năm. Hết thời hạn, nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi lại thửa đất này.
Ông đặt câu hỏi, qyền sở hữu của những người mua các căn hộ xây trên khu đất này liệu có đồng nghĩa với thời hạn thuê 50-70 năm của chủ đầu tư hay không?
TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, ở một số nước cũng có quy định cho thuê đất xây chung cư trong vòng từ 50 tới 70 năm, nhưng quy định rất rõ ràng và mọi điều khoản đều được thể hiện trên hợp đồng. Khi hết thời hạn thuê nhà, chủ đầu tư phải là người đứng ra bảo đảm cho quyền lợi của mình cũng như đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Còn tại Việt Nam, nếu hết thời hạn thuê nhà nhà nước lại phải là cơ quan đứng ra lo vì khi đó, chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư có thể đã biến mất, cũng có thể đã phá sản từ lâu rồi. Tức là quyền lợi của người mua nhà không được bảo đảm đến cùng mà luôn trong tình thế bị treo lơ lửng trên không.
Một vấn đề nữa, ông cho biết, quy định cho thuê nhà cũng đang tạo ra một lỗ hổng mới có thể tạo điều kiện cho những người thực thi lợi dụng chính sách để thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ. Vì khi cải tạo chung cư cũ lại phải xin dự án, xin dự án là lại có tiền.
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng đây là vấn đề dễ dàng, bởi đến lúc đó, chung cư sẽ mọc lên như nấm, không phải dễ mà thực hiện được. Hơn nữa, phải nhận được sự thỏa thuận, đồng ý của người dân và chủ doanh nghiệp, chứ không phải cứ thích nhảy vào là cải tạo được.
Về trước mắt, vị chuyên gia cho biết, có thể sẽ không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của người mua nhà do pháp luật của Việt Nam mọi quy định đều chưa thật sự rõ ràng.
“Quy định là 70 năm, nhưng hết 70 năm vẫn ở thêm 10 năm, 20 năm có khi cũng không ai hỏi han gì đâu” - vị chuyên gia nói.
Mặt khác, theo ông Liêm, căn hộ trên cũng sẽ không mong bán được hay chuyển nhượng lại được do giá trị căn hộ mỗi ngày một giảm, trong khi vấn đề sổ đỏ không thể giải quyết được.
Vì thế, theo ông, giải pháp hài hòa cho các trường hợp này trong hoàn cảnh hết thời hạn thuê là “người dân cứ ở đó, bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải phối hợp với người dân và các cơ quan quản lý nhà nước chủ động đứng ra thực hiện cải tạo, nâng cấp các khu chung cư này đảm bảo cho người dân tiếp tục sinh sống”.
Theo Báo Đất Việt
Khu đất Triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng" alt="TS Phạm Sỹ Liêm: Chuyện ngược đời, đất vàng dắt quy hoạch"/>
TS Phạm Sỹ Liêm: Chuyện ngược đời, đất vàng dắt quy hoạch