|
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, phát biểu tại sự kiện TopZone đạt 50 cửa hàng. |
Sở dĩ đến hiện nay nhà bán lẻ này mới ra sức nhảy vào mảng Apple vì một số lý do. Trong đó, nguyên nhân chính là sự suy yếu của hàng xách tay dẫn đến miếng bánh chính hãng đang lớn lên.
Trong vài năm vừa qua, thị trường xách tay bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân: chính phủ mạnh tay với mặt hàng nhập khẩu không nguồn gốc, dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng lậu bị ảnh hưởng, cộng với việc Apple ngày càng hỗ trợ nhiều hơn đối với các kênh bán được uỷ quyền tại Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường hàng Apple xách tay tại Việt Nam chỉ còn mức 20 - 25% so với những năm 2020 trở về trước.
Bên cạnh sự suy yếu của thị trường xách tay, việc Apple đang tung ra nhiều sản phẩm ngoài iPhone hơn cũng giúp mảng kinh doanh này phình to.
Với chính sách kiểm soát thị trường mới của Apple, doanh số hàng Apple chính hãng tăng lên mạnh mẽ. Theo tính toán, tổng doanh thu của các sản phẩm Apple tại Việt Nam vào cuối 2023 sẽ đạt từ 2,2 - 2,5 tỷ USD.
Với quy mô thị trường béo bở như vậy, Thế Giới Di Động khó có thể đứng ngoài. Chuỗi này đang chiếm thị phần bán lẻ điện thoại, điện máy tại Việt Nam nói chung khoảng hơn 40%. Khi nhắm vào thị trường Apple, chuỗi này cũng đặt mục tiêu tương tự, với mong muốn đạt được 1 tỷ USD vào năm 2023.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, mức doanh thu nói trên sẽ biến Thế Giới Di Động thành nhà mua hàng lớn nhất của Apple tại châu Á. Điều này góp phần thay đổi cách nhìn của hãng công nghệ Mỹ đối với thị trường Việt Nam nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng.
Để hiện thực hoá mục tiêu 40% trong năm 2023, nhà bán lẻ này cấp tốc mở chuỗi TopZone bằng nhiều cách. Trong đó có mô hình TopZone shop-in-shop nằm gọn bên trong các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. Việc này giúp tận dụng mặt bằng và nhân lực có sẵn, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo tốc độ mở mới nhanh hơn. Điều này cho thấy quyết tâm của ông lớn này trong việc chiếm phần lớn mảng bán lẻ Apple tại Việt Nam.
Thế Giới Di Động cho biết, doanh thu hiện tại của TopZone ở mức 6-8 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, thậm chí có cửa hàng đã duy trì doanh thu 10 tỷ đồng/tháng. Đây là cơ sở then chốt để nhà bán lẻ quyết định nhân rộng mô hình này.
Nếu tính trung bình mỗi cửa hàng đạt doanh thu 6 tỷ đồng/tháng, 200 cửa hàng TopZone có thể đóng góp hơn 50% mục tiêu 1 tỷ USD, phân nửa còn lại sẽ do hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh góp vào.
Thế Giới Di Động có cơ sở để đặt mục tiêu hơn hai chục ngàn tỷ đồng khi doanh thu Apple của họ tăng trưởng mạnh hàng năm. Năm 2020, chuỗi này đạt doanh thu 230 triệu USD. Năm 2021, dù chỉ có thêm 20 cửa hàng TopZone nhưng doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 450 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2022, chuỗi bán lẻ sẽ đạt 650 triệu USD và năm 2023 kỳ vọng cán mốc 1 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi, song chắc chắn các đối thủ sẽ không thể để Thế Giới Di Động dễ dàng đạt được mục tiêu 40% thị phần mảng Apple tại Việt Nam. Điển hình như FPT Shop vốn nhảy vào mảng kinh doanh này đã lâu, sở hữu các cửa hàng F.Studio chuyên bán Apple từ rất sớm. Nhà bán lẻ này cũng từng đạt doanh thu kỷ lục khi mở bán các sản phẩm mới của Apple, trong đó chủ yếu là iPhone. Smartphone của Apple cũng thường xuyên góp mặt trong nhóm điện thoại bán chạy nhất tại chuỗi này.
Ngoài ra, một số nhà bán lẻ như CellphoneS, ShopDunk,… cũng có lượng khách hàng riêng chuyên về sản phẩm Apple, chắc chắn sẽ có động thái để chiếm giữ và mở rộng miếng bánh của họ.
Có thể thấy Thế Giới Di Động đang đặt quyết tâm cao ở mảng Apple, thông qua chuỗi TopZone, song tham vọng của họ có thành công hay không còn chờ thời gian trả lời, nhất là trong bối cảnh các đối thủ trong mảng này khá mạnh, và bản thân Thế Giới Di Động phải phân phối sức cho nhiều mảng kinh doanh bán lẻ mới mở.
Hải Đăng
Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?
Thế Giới Di Động nhảy vào mở chuỗi TopZone chỉ bán hàng Apple, một hướng đi tiềm năng nhưng không mới mẻ.
" alt="Tham vọng của Thế Giới Di Động trong mảng Apple tại Việt Nam"/>